Bấm nút ra mắt Trục điện tử kết nối doanh nghiệp. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Đây là giải pháp nhằm tạo ra một cơ chế liên thông linh hoạt, cho phép doanh nghiệp điện tử hóa những khâu quan trọng nhất trong quá trình hoạt động thương mại là quá trình giao kết hợp động, tiến tới việc ứng dụng các chứng từ điện tử một cách rộng rãi qua đó phát huy được sức mạnh của công nghệ số trong hoạt động quản lý điều hành.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trước đây, nhiều doanh nghiệp đã có nhiều phần mềm trong văn phòng và việc số hóa không phải công việc xa vời nhưng việc kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau lại là việc rất khó, nhất là trong việc ký kết hợp đồng giấy tờ.
Trong khi đó, cách thức truyền thống vẫn là dùng văn bản giấy tờ hoặc công văn đã kéo theo chi phí của doanh nghiệp bị đội lên nhiều chưa kể tốn nhiều thời gian và bảo mật. Do vậy, với trục kết nối điện tử, các doanh nghiệp có thể kết nối với nhau, trao đổi thông tin và ký kết văn bản hợp đồng nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn do thông tin đều được mã hóa.
'Với giải pháp như vậy, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí, tận dụng rất tốt thời cơ để có thể cùng nhau đạt được những thành quả tốt hơn,' ông Hải nói.
Về mặt pháp lý, hiện nay các quy định cho chữ ký điện tử đã đầy đủ. Cụ thể Chính phủ ban hành Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2005; Nghị định 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
Tiếp đến là Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt tại Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 8/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Với các quy định mang tính pháp lý trên, theo lãnh đạo Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, các hợp đồng điện tử sẽ có văn bản pháp lý chắc chắn không kém các văn bản giấy tờ.
Đáng chú ý, trong 2 năm đầu doanh nghiệp sẽ không phải trả phí cho việc ứng dụng công nghệ này và sẽ là động lực thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.