Tuy nhiên, văn phòng lại là nơi làm việc, và đôi lúc bạn cần phải kiềm hãm cái sự nhiều chuyện của mình lại, nhưng bằng cách nào?
Thật ra có rất nhiều giải pháp, nhưng mỗi lựa chọn đều có một nhược điểm khác nhau. Tai nghe với công nghệ chống ồn thường có giá khá đắt trong khi nút tai chống ồn có thể khiến bạn bị hiểu lầm là ngó lơ một ai đó khi họ có chuyện muốn nói với bạn. Ngoài ra, sử dụng nút tai cũng có một số ảnh hưởng xấu đến sức khỏe chứ không riêng gì tai nghe. Tuy nhiên, khi được đặt vào một tình huống mà ở đó chúng ta phải đưa ra sự lựa chọn, thì đó chắc chắn phải là sự lựa chọn tối ưu nhất, hay nói cách khác, tìm cho mình một giải pháp với những nguy hại cho sức khỏe ở mức thấp nhất có thể.
Thống kê cho thấy có khoảng 1/2 nguời ở độ tuổi trên 65 bị suy giảm thính lực và không thể phục hồi. Bên cạnh đó, hơn 1,1 tỷ người trẻ tuổi cũng có nguy cơ này do việc nghe nhạc quá lớn từ smartphone hoặc các thiết bị khác, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Khoảng 1/2 số người nằm trong độ tuổi từ 12-35 ở các nước có thu nhập từ trung bình đến cao thường chủ động tiếp xúc với tiếng ồn vượt ngưỡng an toàn. “Mọi người đang làm tai họ lão hóa nhanh hơn”, Tony Ricci, một nhà thần kinh học tại Đại học Stanford cho biết.
Trước khi đưa ra lời gợi ý đâu là giải pháp chống ồn cá nhân tốt nhất, có lẽ chúng ta nên tìm hiểu sơ một chút về hệ thống thính giác của con người. Nó bắt đầu từ tai ngoài hoặc loa tai, với chức năng thu sóng âm từ bên ngoài và đưa vào trong ống tai. Sóng âm này sau đó làm rung một lớp màng gọi là màng nhĩ, từ đó lần lượt tạo ra các rung động tại 3 xương nhỏ của tai giữa. Những chiếc xương này sẽ gõ từng nhịp vào chất lỏng được lấp đầy ở tai trong. Bên trong tai trong là những “tế bào lông” đóng vai trò phát hiện sóng âm thanh và chuyển chúng thành các tín hiệu mà não chúng ta có thể hiểu được. Những tín hiệu này sau đó được truyền đến não thông qua các dây thần kinh thính giác, lúc bấy giờ, bạn sẽ nghe được âm thanh.
Mất thính lực vĩnh viễn là tình trạng xảy ra khi các tế bào lông nói trên bị hư hỏng, và đối với động vật có vú, kể cả con người, những tế bào này có thể dễ dàng bị hỏng bởi tiếng ồn lớn. Chuột là loài đặc biệt hơn bởi các tế bào lông của chúng có thể dễ dàng bị tổn hại nếu tiếp xúc nhiều với những tiếng ồn nhỏ. Việc mất thính lực xảy ra một cách từ từ do đó khi nhận ra thì có lẽ đã muộn. Rachel Becker, biên tập viên của chuyên trang công nghệ The Verge qua tham khảo ý kiến chuyên gia cũng như trải nghiệm của bản thân đã đưa ra một số cách chống ồn cùng với ảnh hưởng xấu của nó đến sức khỏe. Sau đây là những phương pháp đó được sắp xếp theo thứ từ tự xấu nhất đến tốt nhất cho sức khỏe của chúng ta.
Nghe nhạc qua tai nghe earbud
Có thể nói đây là cách phổ biến nhất đối với chúng ta khi cảm thấy không gian xung quanh thật ồn ào, nhưng cũng là cách tệ nhất. Sử dụng tiếng ồn trắng (tiếng ồn chứa tất cả các tần số) hoặc bất kỳ biến thể nào của nó (chẳng hạn như tiếng ồn nâu hoặc tiếng ồn hồng) để lấn át một tiếng ồn khác được cho là chỉ làm tăng âm lượng của một môi trường vốn dĩ đã ồn ào. 'Có một mối quan hệ trực tiếp giữa độ to của âm thanh và thời gian đủ để âm thanh này có thể gây ra những tổn thưởng”, Ricci nói. Vì vậy, nếu bạn dành cả ngày tại văn phòng để nghe nhạc bằng tai nghe nhằm lấn át những cuộc hội thoại xung quanh, có lẽ nên giảm âm lượng của nó xuống, theo Ricci.
Ngoài ra, nhà thần kinh học John Oghalai đến từ đại học Stanford còn cho rằng tiếng ồn trắng có thể tạo ra hiệu ứng “đánh lừa sự yên tĩnh”, nghĩa là bạn có thể đang nghe một âm thanh lớn nhưng không hề nhận ra điều đó. “Cũng như việc tôi đang cố để nói chuyện với vợ trong khi con của tôi đang khóc. Tôi vẫn chỉ nghe thấy tiếng khóc mà chả nghe vợ nói gì”. Trong phép ẩn dụ này, tiếng ồn trắng chính là em bé. “Có lẽ tôi nên đề xuất một giải pháp khác”, Ricci cho biết.
Sử dụng tai nghe on-ear
Tận dụng tiếng ồn trắng bằng tai nghe on-ear được Rachel Becker cho là giúp giải quyết vấn đề tốt hơn bởi nó sẽ cô lập tai với môi trường ngoài hiệu quả hơn. Trong trường hợp này, tai nghe snug earbud cũng là một lựa chọn tốt bởi nó giúp giảm tiếng ồn xung quanh và bạn sẽ không cần phải mở âm thanh quá lớn. Tuy nhiên, Ricci lo ngại sử dụng các loại tai nghe vừa nêu có thể khuếch đại sóng âm dẫn đến gia tăng áp lực bên trong ống tai. Vấn đề thực sự chính là mức volume và thời gian nghe: “Sử dụng Headphone với mức âm lượng thấp cũng không gây ra nhiều tổn hại”, Ricci nói.
Tai nghe chống ồn
Tai nghe loại bỏ tiếng ồn không làm gia tăng tiếng ồn bên trong tai mà ngược lại, loại bỏ chúng. Những chiếc tai nghe này thường được trang bị một microphone nhỏ gắn vào vành tai để phát hiện tiếng ồn xung quanh. Khi nhận thấy có sự tồn tại của những âm thanh này, chúng sẽ phát ra một sóng âm theo hướng ngược lại nhằm triệt tiêu sóng âm của tiếng ồn. Tuy nhiên, khả năng này chỉ phát huy tối đa tác dụng đối với tiếng ồn liên tục chẳng hạn như tiếng ồn phát ra từ động cơ máy bay, do đó, tiếng ồn với tần số cao phát ra bởi tiếng nói của con người không phải là “mục tiêu” mà khả năng chống ồn của tai nghe có thể nhắm đến và triệt tiêu hiệu quả.
Nói chung, tai nghe loại bỏ tiếng ồn về cơ bản lựa chọn tốt hơn so với việc sử dụng tai nghe earbud thông thường và tai nghe on-ear, nhưng không thật sự là giải pháp tối ưu dành cho chúng ta trong trường hợp không muốn bị làm phiền bởi tiếng ồn trong văn phòng.
Nút tai chống ồn là giải pháp tốt nhất
Dù không mang đặc tính của một thiết bị công nghệ cao, tuy nhiên nút bịt tai có lẽ là cách tốt nhất dành cho chúng ta. Theo Oghalai, lý do khiến cho nút tai hiệu quả trong việc chống ồn chính là nó không “chứa chấp” tiếng ồn, nói cách khác, nút tai đóng vai trò như một rào cản ngăn sóng âm, ngăn không cho sóng này có cơ hội tiếp cận với hệ thống thính giác phức tạp của chúng ta. “Nút bịt tai làm giảm áp lực của sóng âm thanh, thế nên bất cứ sóng âm nào chạm đến tai bạn đều sẽ nhỏ hơn mức ban đầu”. Có thể việc sử dụng nút tai chống ồn ban đầu sẽ tạo ra những khó chịu nhất định, song về lâu dài, đây có thể là giải pháp ít gây ra những rủi ro về sức khỏe nhất.
Nguồn: The Verge