Mình đã mượn được phiên bản 1 TB, nghe đâu có giá đến gần 10 triệu đồng. Vậy với mức giá này thì My Passport SSD liệu có xứng đáng?
Có thể thấy thời gian gần đây những chiếc ổ SSD di động đã bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều hơn và đặc biệt là kích thước của ổ ngày càng nhỏ đi. Nếu như trước đây những chiếc ổ SSD di động đầu tiên vẫn dùng form ổ 2,5' thì giờ đây chỉ với một thanh M.2 2280 thì kích thước của ổ SSD di động chỉ bằng khoảng 2 chiếc hộp quẹt gas ghép lại, quá nhỏ gọn. Ngoài lợi thế về kích thước thì tốc độ đọc/ghi là yếu tố khiến chúng ta tìm đến loại ổ này bởi chẳng ai muốn chờ dài cổ khi phải chép một lượng lớn dữ liệu.
Trở lại với WD My Passport SSD thì chiếc ổ này có thiết kế tương tự như dòng ổ cứng My Passport 2017 mà mình vừa đánh giá gần đây, tức là cũng có một nửa vỏ ngoài thiết kế gợn sóng nhưng lần này nó được làm bằng nhôm, vừa cao cấp hơn vừa đóng vai trò tản nhiệt, nửa còn lại vẫn được làm bằng nhựa. Chiếc ổ này bám nhiều vân tay và rất mau bẩn, đây là điều mình không thích.
Kích thước của ổ rất nhỏ gọn với chiều dài 90 mm, ngang 45 mm và mỏng chỉ 10 mm. Trọng lượng chưa đến 100 g nhưng My Passport SSD được thiết kế chống va đập với khả năng sống sót khi rơi từ độ cao từ 2 m và chịu được gia tốc đến 1500 G. Tức là lỡ như bạn có giận gì ai mà cầm My Passport SSD chọi thì cái ổ này vẫn không hỏng.
Điều đáng chú ý là WD My Passport SSD dùng cáp USB-C và là cáp rời - rất tiện lợi khi cần tháo cất, thay cáp hay mất cáp đều không thành vấn đề lớn. WD còn tặng kèm một đầu chuyển USB-C sang USB-A, tiếp tục là một trang bị tiện lợi khác bởi không phải chiếc máy tính nào cũng được trang bị cổng USB-C, USB-A vẫn là cổng phổ biến nhất hiện tại.
Khi sử dụng một chiếc SSD dùng làm ổ gắn ngoài thì thứ chúng ta mong muốn là khai thác được tốc độ đọc ghi của ổ, giúp giảm thời gian chờ đợi khi ghi chép dữ liệu. WD My Passport SSD sinh ra để đáp ứng nhu cầu này nhưng cần lưu ý là chúng ta không nên dùng ổ SSD làm ổ backup, tốt nhất là để lưu trữ dữ liệu và cần truy xuất nhanh, hạn chế ghi xóa nhiều bởi điều này sẽ làm giảm tuổi thọ ổ.
Về cơ bản bên trong ổ WD My Passport SSD là một chiếc ổ M.2 2280 do SanDisk sản xuất với mã SD8TN8U dùng chuẩn SATA 6 Gbps, dung lượng 1 TB. Đây chính là một phiên bản của dòng SanDisk X400 và dòng ổ này dùng chip TLC NAND 15 nm cùng vi điều khiển Marvell 88SS1074.
Marvell 88SS1074 được sử dụng trên các dòng ổ như Crucial MX300 và Kingston SSDNow UV400 và nó đã được ra mắt cách đây 3 năm. Dòng vi điều khiển này được phát triển tối ưu cho bộ nhớ TLC NAND dùng trên ổ SSD SATA với các công nghệ tự động sửa lỗi NANDEdge thế hệ thứ 3 của Marvell, LDPC và tiết kiệm điện năng nhờ công nghệ DEVSLP (Device Sleep).
Dĩ nhiên chiếc ổ M.2 này sẽ được lắp trên một mạch chuyển sang USB, cũng giống như khi chúng ta gắn ổ cứng vào box ổ cứng gắn ngoài để chuyển từ SATA sang USB vậy. Mình tìm hiểu nhiều trang thì theo truyền thống của SanDisk với các dòng ổ gắn ngoài thì hãng thường dùng chip ASMedia AS1351 để chuyển từ SATA sang USB 3.1 Gen2 và chip ASMedia ASM1543 Type-C dành cho kết nối USB-C. Theo thông số kĩ thuật của WD thì chiếc ổ này hỗ trợ chuẩn USB 3.1 Gen2 tức cho tốc độ tối đa đến 10 Gbps (1,25 GB/s), tức gấp đôi USB 3.1 Gen1 hay USB 3.0 với 5 Gbps (625 MB/s).
Mặc dù vậy, vì chiếc ổ M.2 bên trong WD My Passport SSD chỉ là ổ SATA III với băng thông tối đa 600 MB/s nên tốc độ truy xuất 1,25 GB/s không thể nào đạt được. Theo thông số công bố thì WD My Passport SSD có thể đạt tốc độ đọc tối đa 515 MB/s. Thử nghiệm thực tế:
Mình thử nghiệm với chiếc ThinkPad P70, cấu hình với CPU Intel Xeon E3-1505M v5 4 nhân 8 luồng, 2,8 - 3,7 GHz, 16 GB RAM DDR4-2133 MHz và ổ đĩa chứa dữ liệu để copy sang My Passport SSD là ổ WD Slim WD10SPCX 1 TB 5400 rpm.
Thử nghiệm với ATTO Disk Benchmark với dạng dữ liệu RAW hay dữ liệu nén, ổ My Passport SSD đạt hiệu năng tốt và ổn định. Mình thử nghiệm với mẫu thử 1 GB, dung lượng các tập tin tăng dần từ 512 byte đến 64 MB thì chiếc ổ này đạt tốc độ đọc cao nhất là 479 MB/s và ghi cao nhất là 471,6 MB/s. Tốc độ đọc trung bình vẫn giữ ở mức 460 MB/s và ghi trung bình cao hơn với 470 MB/s.
Với CrystalDisk Mark, chiếc ổ này đạt tốc độ đọc tuần tự tối đa 442,7 MB/s và ghi tuần tự tối đa 439,8 MB/s, dù chưa đạt được mức lý tưởng trên 500 MB/s nhưng tốc độ này rất khá. So với một chiếc ổ SSD gắn ngoài rất quen thuộc khác là Samsung T3 thì tốc độ này vẫn cao hơn vài MB/s. Tốc độ truy xuất ngẫu nhiên 4K cũng khá cao, đọc trên 5429 IOPS và ghi trên 6371 IOPS. Tuy nhiên, đây là những con số ở chế độ thử nghiệm 1 queue 1 thread, đối với ổ SSD vốn khai thác nhiều kênh NAND thì thiết lập 32 queue 1 thread phản ánh chính xác hơn nhưng WD My Passport SSD lại không hỗ trợ giao thức UASP nên hiệu năng truy xuất IO đa queue bị giảm đi. Bằng chứng là tốc độ đọc Q32T1 còn 399,4 MB/s và tốc độ ghi Q32T1 cũng chỉ còn 408 MB/s.
Tiếp tục thử nghiệm với AIDA64 Disk Benchmark, tốc độ đọc đều theo thời gian với block size 4 MB của WD My Passport SSD trung bình trên 400 MB/s với cả chế độ đọc liên tục lẫn ngẫu nhiên.
Với block size 64 KB thì tốc độ truy xuất của ổ WD My Passport SSD vẫn được duy trì ở mức từ 229,2 MB/s đến 286,7 MB/s. Chiếc ổ này chỉ mất 10 phút để hoàn thành bài test ngẫu nhiên này, so với ổ cứng cơ thông thường thì nhanh gấp đôi nhưng vẫn còn kém rất xa so với các ổ PCIe SSD, chẳng hạn như WD Black 512 GB PCIe Gen3 x4, Samsung SM951 hay Plextor PX-512M8PeG chỉ mất chưa đầy 1 phút.
Thử nghiệm copy file từ ổ cứng cơ trong máy tính của mình sang WD My Passport SSD và đồng thời so sánh thời gian chúng ta phải chờ để thực hiện thao tác tương tự với một chiếc ổ cứng cơ gắn ngoài khác là WD My Passport 1 TB màu đỏ:
Copy file Zip dung lượng 6,69 GB từ ổ WD Slim 1 TB 5400 rpm sang ổ My Passport SSD: 52,50 giây.
Copy thư mục hỗn hợp dung lượng 7,88 GB (1801 file, 99 folder) từ ổ 1WD Slim 1 TB 5400 rpm sang ổ My Passport SSD: mất 1 phút 54,55 giây.
Nếu bạn thực hiện thao tác trên với ổ cứng HDD gắn ngoài?
Copy file Zip dung lượng 6,69 GB từ ổ WD Slim 1 TB 5400 rpm sang ổ My Passport: 1 phút 10,32 giây.
Copy thư mục hỗn hợp dung lượng 7,88 GB (1801 file, 99 folder) từ ổ 1WD Slim 1 TB 5400 rpm sang ổ My Passport SSD: mất 3 phút 00,17 giây.
Như vậy rõ ràng rằng với dạng dữ liệu hỗn hợp nhiều thư mục, nhiều file nhỏ thì WD My Passport SSD nói riêng và SSD gắn ngoài nói chung đạt hiệu năng tốt hơn rất nhiều, chúng ta chỉ phải chờ khoảng 2 phút để copy hết gần 8 GB dữ liệu với hàng ngàn file lớn nhỏ trong khi ổ HDD thường phải mất 3 phút. Tuy nhiên, với những dữ liệu dạng nén nguyên khối như file Zip mình thử nghiệm trên thì sự khác biệt không đáng kể lắm, WD My Passport SSD mất chưa đến 1 phút còn ổ WD My Passport HDD thông thường mất 1 phút 10 giây.
Ngoài ra, mình còn thử nghiệm lưu hình ảnh RAW trên chiếc ổ WD My Passport SSD và dùng Lightroom để chỉnh sửa ảnh. Mình vẫn thường lưu ảnh trên ổ cứng cơ và sử dụng Lightroom trên nhiều máy tính khác nhau và điều mình nhận ra khi trải nghiệm với ổ WD My Passsport SSD là tốc độ xử lý các thao tác chỉnh sửa đều nhanh và mượt hơn so với ổ HDD. Chẳng hạn như tốc độ hiển thị Preview nhanh hơn, tốc độ áp dụng thay đổi trên ảnh khi chỉnh sửa nhanh hơn, tốc độ xuất hình nhanh hơn, … rất nhiều lợi thế.
Theo mình nghĩ, WD My Passport SSD hay những chiếc ổ SSD gắn ngoài hiện nay sẽ là một xu hướng trong tương lai khi bộ nhớ NAND trở nên rẻ hơn. Hiện tại với mức giá gần 10 triệu cho phiên bản 1 TB này thì mình nghĩ nó chỉ dành cho một số đối tượng chẳng hạn như cần lưu dữ liệu lớn và sử dụng giữa nhiều máy tính, thêm vào đó là cần sự nhỏ gọn, dễ mang theo và quan trọng hơn cả là tốc độ truy xuất cao.
Mức giá cho phiên bản 1 TB mình nghĩ là đắt bởi căn cứ theo chiếc ổ SanDisk X400 1 TB M.2 2280 gắn bên trong WD My Passport SSD thì nó đã có giá khoảng $320 trên Amazon, nếu anh em mua cái box gắn ngoài chuyển đổi sang USB thì cũng vẫn rẻ hơn mức giá 10 triệu. Thành thử ra mình nghĩ chiếc ổ này hiện tại vẫn đang bị làm giá bởi NAND đang bị thiếu hụt, thời gian tới nếu rơi xuống tầm giá khoảng 8 triệu thì mình nghĩ hợp lý hơn.