Sau hơn 4 tháng chính thức ra mắt tại nhiều thị trường trên thế giới, cuối cùng thì vào ngày 19/03, những chiếc máy PlayStation 5 đầu tiên bán chính hãng tại thị trường Việt Nam đã đến tay các anh em từ Sony Store cũng như các cửa hàng phân phối chính thức trên toàn quốc. Như tiêu đề, với mức giá 14.490.000 VNĐ cho cỗ máy PS5, giá trị của chiếc máy console mới nhất từ Sony đã về đúng mức xứng đáng để bỏ tiền ra mua, tạo ra trọn gói hệ thống phục vụ giải trí tương tác nói riêng và giải trí nói chung cho anh em. Cỗ máy đầy đủ phần cứng với cấu hình đủ sức tạo ra những khung hình đẹp nhất trên TV 4K của anh em, cùng lúc hỗ trợ khá nhiều trò vui tương tự như thời PS4, khi anh em vẫn có thể nghe nhạc Spotify, xem YouTube hay xem phim trên Netflix.
Một vòng chiếc máy PS5
Cảm giác đầu tiên, PS5 là một hệ thống phần cứng máy tính với thiết kế small-form-factor đúng chất, và rất nặng. Cả chiếc thùng máy nặng ngót nghét gần chục cân, dù rằng bên trong chỉ có chiếc máy console, một chiếc tay cầm DualSense, chân đế nhựa để cố định máy, và ba cọng cáp: Cáp điện chân C8, một cọng cáp USB-A to USB-C, và một cọng cáp High Speed HDMI, chuẩn HDMI 2.1, đủ sức gánh tín hiệu hình ảnh chất lượng 4K 120Hz.
Các cụ dạy “trăm nghe không bằng một thấy”, nhưng bây giờ đúng ra có lẽ là “trăm thấy không bằng một sờ”. Nếu chỉ nhìn vào những hình ảnh và video clip trên mạng internet, chắc chắn sẽ không thể hiểu, cảm nhận được hết mọi chi tiết và chất lượng thiết kế, hoàn thiện của cỗ máy. Những chi tiết này tốt hơn kỳ vọng có, và thấp hơn kỳ vọng cũng có luôn.
Thứ thấp hơn kỳ vọng đầu tiên mà mình nhận thấy với PS5 có lẽ chính là màu sắc hai tấm nhựa che sườn máy chất liệu ABS mà Sony trang bị, che những lỗ thông gió và quạt tản nhiệt bên trong khung chassis nhựa đen, vốn là khung xương của cỗ máy chơi game này. Mình cứ tưởng hai tấm nhựa này được làm với màu trắng ngà, nhìn sáng và sang, nhưng để ý kỹ thì hai tấm nhựa này màu trắng hơi ngả xanh. Độ dày ở mức vừa phải, đủ để che hai bên sườn máy và đủ mỏng để anh em uốn và tháo ra trong trường hợp sau này Sony bán những tấm ốp custom theo từng phong cách và từng chủ đề game khác nhau.
Bản chất cỗ máy PS5 được thiết kế bao quanh hệ thống tản nhiệt với heatsink khổng lồ của máy. Hai tấm nhựa này chỉ mang giá trị thẩm mỹ, và cũng vì hai tấm nhựa này, Sony phải tặng kèm anh em chiếc chân đế, thứ mà mình nghĩ là chi tiết được thiết kế thông minh bậc nhất trong toàn bộ hệ thống PS5, để máy đứng hoặc nằm một cách ổn định, không sợ đổ, dẫn đến nứt vỡ tấm nhựa hoặc tồi tệ hơn là làm trục trặc phần cứng bên trong. Trước PS5, từ PS2 đến PS4, Sony đều bán lẻ chân đế, và chính vì hai tấm nhựa thiết kế “cong mềm mại” như anh em thấy ở trên, Sony mới phải tặng kèm chân máy.
Và dĩ nhiên, sẽ thật phí nếu chúng ta bỏ qua, không lấy ống macro chụp lại pattern tuyệt đẹp, với những ký hiệu li ti mắt thường khó mà nhìn thấy được ở mặt trong hai tấm nhựa:
Sau khi chiêm ngưỡng xong xuôi vẻ đẹp ở một thái cực tuyệt đối trái ngược so với cỗ máy vuông chằn chặn Xbox Series X, thì chúng ta mới để ý rằng những cổng kết nối trên PS5 cơ bản đến mức khó lòng có thể giản tiện hơn được nữa. Thứ mình tiếc nhất là PS5 không còn cổng S/PDIF xuất tín hiệu âm thanh quang học thẳng ra loa hoặc receiver với chất lượng cao nữa, mà giờ muốn đưa tiếng game ra loa hoặc hệ thống giải trí gia đình chỉ có mỗi một cách là passthrough tín hiệu âm thanh từ kết nối HDMI sang receiver hoặc nối dây 3.5mm từ TV hoặc màn hình sang loa.
Ở mặt trước là hai cổng USB-A 2.0 và USB-C 3.2 Gen2. Sony để ký hiệu rất rõ ràng, rằng cổng USB cỡ lớn ở mặt trước chỉ có giá trị sạc pin, còn để kết nối các thiết bị ngoại vi hoặc ổ cứng để chơi game PS4, nên dùng cổng USB-C hoặc hai cổng USB 3.2 Gen2 ở phía sau. Ngay dưới hai cổng USB này là nút nhả đĩa và nút nguồn. Nút nào dài hơn thì là nút nguồn, còn lại nút ở trên là nhả đĩa, ghi nhớ vậy đỡ quên. Mà thực tế sử dụng anh em cũng sẽ không dùng nhiều nút nguồn trên máy, vì chỉ cần ấn nút PS trên tay cầm là máy sẽ bật lên, còn muốn tắt máy cũng chỉ cần chọn mục “Enter Rest Mode” hoặc “Turn Off PS5” ngay trong menu chính của máy, chẳng cần đụng vào nút ở máy làm gì.
Ở mặt sau, bên cạnh hai cổng USB 3.2 Type A tốc độ cao, từ trên xuống lần lượt là cổng Ethernet để dùng cáp mạng, cổng HDMI 2.1, và cổng cắm dây nguồn C8. Toàn bộ cụm cổng kết nối ở mặt sau PS5 rất gọn gàng, nhường hết không gian cho những khe thoát khí nóng của hệ thống tản nhiệt. Những khe này kích thước rất lớn, nhìn vào thấy rõ luôn cả hệ thống heatsink và những ống đồng cỡ lớn mà Sony trang bị để làm mát cho hai con chip AMD cùng những phần cứng cực mạnh khác trang bị bên trong. Và ở phía trên, gần logo PS của tấm nhựa ốp sườn máy, vẫn có lỗ khóa kensington phục vụ cho các cửa tiệm hay địa điểm giải trí bảo vệ máy không bị trộm hỏi thăm.
Nhắc đến hệ thống tản nhiệt cũng phải kể đến lúc tháo hai tấm ốp nhựa hai bên sườn máy. Tháo hai tấm này rất dễ, anh em đã xem clip mổ bụng PS5 của kỹ sư Sony cũng sẽ biết cách tháo chúng ra: Nhấc nhẹ góc tấm nhựa ở cạnh trên của máy, rồi nhẹ tay đẩy về phía dưới, cả hai tấm nhựa sẽ bung ra, để lộ hệ thống tản nhiệt, cũng như khe cắm SSD NVMe mở rộng mà Sony chưa công bố ngày cập nhật hỗ trợ nâng cấp bộ nhớ lưu trữ game:
Có một điểm nho nhỏ đáng để ý ở mặt trước máy PS5 sau khi gỡ bỏ mặt nạ của máy, đó là lỗ thoát để dùng máy hút bụi cầm tay làm sạch bụi bẩn kẹt bên trong heatsink sau một thời gian sử dụng, mà không cần tháo tung cả hệ thống tản nhiệt của máy.
Để tháo hết hệ thống tản nhiệt, anh em sẽ phải xé chiếc tem bảo hành như trong hình trên, phía trên quạt tản, và sẽ mất luôn bảo hành. Việc Sony thiết kế lỗ hút bụi cũng là một chi tiết rất đáng khen, dù rằng hiệu quả của nó như thế nào phải đợi khoảng 1 năm nữa, hay như ở khu mình ở thì là 3 tháng vì gần phố bụi quá, thì chúng ta mới biết chính xác được. Chỉ thấy ngay một điều rằng, lỗ hút bụi này nhìn thẳng được xuống heatsink, thấy rõ ống đồng sáng loáng:
Còn ở mặt sau, bên trái ổ đĩa UltraHD BluRay là khe cắm SSD NVMe PCIe 4.0 để anh em nâng cấp bộ nhớ trong. Sony rất thương người tiêu dùng khi thiết kế hẳn một cổng mở rộng như thế này, chỉ cần dùng SSD chuẩn PCIe 4.0 là mở rộng được bộ nhớ vốn chỉ có 825GB của máy, không phụ thuộc hãng nào, không ép người dùng phải nâng cấp theo sản phẩm thiết kế riêng như SSD 1TB của Xbox Series X. Mà thực tế thì với việc ứng dụng công nghệ nén dữ liệu Oodle Kraken, game PS5 đã nhẹ sẵn rồi, mình cài 5 6 game PS5 vào máy mà vẫn còn tới hơn 2/3 dung lượng bộ nhớ trống. Thôi thì ổ cứng thì PS5 cũng giống PC, càng nhiều càng ít. Khe cắm SSD mở rộng này được chặn bằng một nắp kim loại với con ốc đủ 4 ký tự tam giác, O, X, vuông đặc trưng, và dĩ nhiên bên trong vẫn có ốc cố định SSD đi kèm, anh em không lo phải kiếm ốc ngoài để cố định ổ:
Khe SSD mở rộng của PS5 hỗ trợ đủ 5 kích thước NVMe phổ biến: 2230, 2242, 2260, 2280 và 22110. Số 22 là chiều ngang của SSD, còn hai hoặc ba chữ số sau chỉ độ dài chiều dọc của ổ:
Đáng nói cuối cùng và nổi bật hơn cả có lẽ là chân đế của PS5. Như mình đã nói, Sony thiết kế chân đế này rất thông minh.
Khi xoay chân đế để đổi vị trí từ đặt máy nằm ngang sang đặt dọc, con ốc cố định chân đế sẽ lộ ra, và ngàm móc của đế sẽ kẹp vào khung nhựa thông gió phía sau máy. Trên máy PS5 có một miếng nhựa che lỗ bắt vít để chống bụi, khi bắt vít sẽ phải tháo miếng nhựa này ra, nhưng anh em không sợ nó rơi đâu, vì trong đế, ngay cạnh chỗ đặt con ốc là một lỗ nhỏ lắp vừa miếng nhựa ấy:
Khi muốn đặt máy nằm ngang, anh em xoay ngàm móc 90 độ để giấu khe giữ con ốc đi, rồi kẹp ngàm chân đế vào vị trí những ký hiệu lớn đúng với khoảng cách của hai ngàm mà Sony thiết kế trên nắp che đáy chiếc PS5. Lắp đúng vị trí dòng ký hiệu này, những đường cong trên chân đế sẽ nằm đúng theo đường uốn lượn của ốp nhựa, máy được cố định hoàn toàn:
PS5, xét riêng về thiết kế mỹ thuật công nghiệp, là một sản phẩm xuất sắc, khi form factor phục vụ hoàn hảo nhu cầu làm mát cho thiết bị. Nhưng xét về mặt thẩm mỹ, thì cỗ máy chơi game này chắc chắn sẽ tạo ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Từ hai miếng nhựa ốp với những đường cong kỳ lạ, cho đến phần “thừa” ra trên nóc máy, vươn khỏi phần chassis chính bo tròn ở góc, có nhiều chi tiết thật sự khiến mọi người phải đưa ra câu hỏi, đó có đúng là thiết kế sản phẩm của Sony hay không vậy?
Có một điều chắc chắn, dáng vẻ của PS5 đòi hỏi anh em đặt nó ở vị trí trung tâm của hệ thống giải trí, chứ không dẹp sang một góc như Xbox hay PS4 được, vì nó vô cùng nổi bật.
Tay cầm DualSense
Vẫn là câu chuyện “trăm thấy không bằng một sờ”, nếu không tận tay trải nghiệm DualSense, thì rất dễ đánh đồng nó với tay cầm DualShock 4 hay tay cầm của Xbox Series X. Sony phải thừa nhận là quá khôn khéo khi tặng kèm anh em tựa game platform vui nhộn Astro's Playroom một cách hoàn toàn miễn phí, vì nó là bộ công cụ demo tuyệt vời ba công nghệ: Đầu tiên là tốc độ SSD siêu nhanh của PS5, thứ hai là haptic feedback, và thứ ba là adaptive trigger.
Cảm giác nhảy vào một màn chơi, bay vèo một cái là đến nơi, chơi tiếp luôn mà không cần ngồi chờ máy tải dữ liệu đồ họa của màn mới chính là thứ mô tả rõ ràng rành mạch nhất sức mạnh của SSD bên trong PS5. Kế đến là Haptic Feedback. Kết hợp với loa tích hợp trong tay cầm, từng bước chân, từng bước nhảy và hành động của chú robot Astro trong game được phản hồi một cách đầy tinh tế đến tay anh em, chạy bước nào rung bước ấy, chứ không chỉ đến đoạn cháy nổ, tay cầm mới rung bần bật như trước nữa.
Thứ khiến Astro's Playroom xuất sắc ở thời điểm hiện tại chính là vì ngay cả những game độc quyền trên PS5 hiện giờ vẫn chưa ứng dụng được hai tính năng adaptive trigger và haptic feedback trên tay cầm DualSense ở mức triệt để và tận dụng tối đa tiềm năng như trò chơi miễn phí này. Nhưng bù lại, với Control Ultimate Edition, hãng game Remedy đã cố hết sức để tận dụng hai tính năng này. Nhờ đó, những bước đi của nhân vật chính Jesse Faden hay những lần siết cò súng trong game đều được khắc họa rất rõ nét, và rất khác so với bản PS4.
Giống hệt như DualShock 4, DualSense vẫn có touchpad, và điều khiến mình thích là dải đèn LED mô tả thông tin người chơi và thông tin game được đặt một cách vô cùng tinh tế, chứ không giấu ở phía trên tay cầm, gần cổng sạc Micro USB như trước. Dải LED lần này chạy xung quanh touchpad, rất dễ nhìn. Cũng trong hình dưới đây, anh em có thể thấy cổng USB-C để kết nối DualSense với máy khi sạc pin, hoặc dùng tay cầm với PC:
Microphone tích hợp trên tay cầm được Sony đưa vào DualSense, kèm với loa tích hợp, trong khi đời trước chỉ có loa nhỏ (vài game ứng dụng loa này rất hay, ví dụ tiếng cảnh sát báo bộ đàm trong Need For Speed Payback chẳng hạn). Nhưng với microphone, anh em có thể chơi game online, đối thoại với đồng đội mà không cần bỏ thêm tiền mua headset có mic. Mic này thậm chí còn có cả nút tắt để không làm phiền người khác, hoặc không muốn lọt âm thanh nhà mình vào khi chơi mạng. Và nếu vẫn muốn dùng headset, thì DualSense vẫn có cổng 3.5mm ở dưới microphone để dùng những phụ kiện anh em muốn:
Lẽ dĩ nhiên, phần nhám phía sau tay cầm vẫn là pattern với 4 ký hiệu quen thuộc của PlayStation. Những ký hiệu li ti này rất nhỏ, mắt thường khó mà nhìn thấy được rõ ràng. Một vấn đề nhỏ, vì chúng quá bé, và dễ bám bẩn, nên việc làm sạch cũng không dễ dàng cho lắm. Khoảng tháng nữa mình sẽ thử vệ sinh tay cầm bằng tăm bông và cồn xem sao:
Tổng kết lại, nếu như bản thân chiếc máy PS5 là một con quái vật về mặt hiệu năng và cấu hình so với đời PS4 trước, ngay cả khi so sánh với PS4 Pro, thì DualSense là đôi tay và bàn tay kết nối anh em đến thế giới ảo với những hình ảnh hiện ra trên màn hình TV. Phải tận tay trải nghiệm mới thấy được Sony kỳ công như thế nào khi nghiên cứu món đồ chơi mới này.
Vài điều cần chia sẻ đề anh em trải nghiệm PS5 đã nhất
Thứ nhất, anh em đừng ngại cài ứng dụng PS App trên App Store và Play Store. Trong đó là những tính năng rất hữu ích để anh em chơi game vui hơn. Thứ nhất là nó có thể ra lệnh để máy PS4 hoặc PS5 tải game chỉ bằng một cú chạm từ smartphone. Thứ hai là anh em có thể chat chit với bạn bè. Thứ ba là anh em có thể mua game luôn trên ứng dụng này. Và trong trường hợp mới mua PS5, khả năng cho anh em đăng nhập tài khoản PlayStation Network với máy PS5 mới chỉ bằng một mã QR Code là thứ rất tiện. Anh em sẽ không phải gõ tài khoản và mật khẩu như trước nữa. Ứng dụng này Sony làm theo kiểu “tất cả trong một”, rất tiện, mình toàn dùng để săn sale game giảm giá trên PS4. Anh em có thể tải PS App tại đây:
iOS: https://apps.apple.com/us/app/playstation-app/id410896080
Android: https://play.google.com/store/apps/details?id=com.scee.psxandroid&hl=en&gl=US
Thứ hai, nếu đang muốn chơi tiếp những game PS4 thông qua tương thích ngược trên PS5, hãy kết nối cả hai chiếc máy vào cùng mạng WiFi. Sau đó anh em vào mục Settings > System > System Software > Data Transfer > Continue. Khi thấy màn hình PS5 báo ấn nút nguồn trên PS4 trong 1 giây đến khi nghe thấy tiếng bíp là được. Sau đó anh em hãy chọn những game, và quan trọng hơn là cả những file save game đang có trên PS4 để tiến hành copy sang PS5. Nhờ đó anh em vẫn sẽ tiếp tục được chơi những tác phẩm hay (đôi khi là được nâng cấp chất lượng đồ họa như God of War hay Ghost of Tsushima chơi trên PS5 60 FPS) mà không phải chơi lại từ đầu:
Một cách khác là dùng một cọng cáp ethernet kết nối trực tiếp cả PS4 với PS5 với nhau. Cách này cũng có ích, Sony cũng đã sửa lỗi brick máy PS5 khi backup game bằng giải pháp này rồi, nên anh em đừng lo.
Thứ ba, nếu anh em đang có ổ cứng gắn ngoài có dung lượng trên 250GB, hãy dùng nó để cài game PS4, thay vì dùng bộ nhớ SSD của PS5. Mình thử nghiệm thấy tốc độ tải game của PS5 đối với vài trò chẳng khác nhiều so với HDD của PS4 Pro. Có game nhanh hơn rất nhiều nếu dùng SSD, ví dụ như Red Dead Redemption 2, thời gian tải game chỉ còn có 1 nửa, nhưng có lúc chẳng khác mấy, ví dụ như The Last of Us Part 2.
Hiện giờ mình đang dùng WD Black Game Drive P50 500GB để cài game PS4 chơi trên PS5, mình sẽ có đánh giá món đồ chơi này sớm cho anh em. Nhưng nói ngắn gọn thì, đừng lãng phí tài nguyên ổ cứng của PS5 để chơi game tương thích ngược. Kể cả ổ cứng là HDD hay SSD kết nối USD, thì PS5 vẫn nhận, và vẫn chơi tốt. Trong phần Settings, anh em hãy chọn “Always Install PS4 Games to Extended Storage” để game PS4 tự động đưa về ổ cứng ngoài nhé:
Cuối cùng, nếu đang có tài khoản PlayStation Plus, hãy nhận hết những game thuộc PlayStation Plus Collection để chơi giải trí trước khi có những game độc quyền cho PS5. Trong bộ sưu tập đó là nhiều game rất hay như Battlefield 1, Persona 5, Resident Evil VII, Uncharted 4, và dĩ nhiên là cả God of War bản 2018 nữa. Anh em đừng bỏ qua nhé:
Tạm kết
Ở đợt đầu PS5 bán chính hãng ở Việt Nam, không phải ai cũng nhanh tay kịp sở hữu cho mình một cỗ máy chơi game đời mới. Bản thân điều này cũng mô tả khá khách quan tình trạng thiếu hụt PS5 nói riêng và thiếu hụt chip bán dẫn nói chung trên toàn thế giới. Chí ít thì, tình trạng đầu cơ máy PS5 ở Việt Nam không điên rồ và khủng khiếp như các nước khác, hoặc như trước khi máy chính hãng được bán ra thị trường.
Ở mức giá 14.490.000 VNĐ, chi phí để sở hữu PS5 đã trở nên hợp lý hơn rất nhiều. Với những anh em muốn chơi game khủng mà không có điều kiện sở hữu PC, hoặc mua PC về không dùng hết nhu cầu, thì console vẫn luôn luôn là một lựa chọn hấp dẫn, phục vụ nhiều nhu cầu giải trí gia đình nói chung và chơi điện tử nói riêng.