iPhone X chưa lên kệ cho đến ngày 3/11. Tuy nhiên, những kẻ lừa đảo đã ra tay dồn dập trên mạng xã hội, dựa hơn vào sản phẩm này. Chúng được thiết kế cho giống với một tài khoản chính thức của Apple, tặng miễn phí iPhone X cho người dùng.
Những tài khoản giả mạo này xuất hiện nhan nhản trên Facebook, Instagram trong mỗi dịp ra mắt iPhone mới. Ảnh: ZeroFOX.
ZeroFOX, công ty bảo mật trên mạng xã hội, nói họ phát hiện ra 532 tài khoản giả mạo trên mạng xã hội gồm Facebook, Instagram và YouTube, ngụy trang tài khoản Apple để thu hút những người muốn sở hữu iPhone X miễn phí.
Những tài khoản tặng iPhone 8, 8 Plus miễn phí cũng xuất hiện dày đặc, cao gấp 3 lần so với những bài đăng lừa đảo cho model khác, theo ZeroFOX.
Bài đăng giả mạo liên quan đến sự kiện ra mắt iPhone gần như xuất hiện hàng năm. ZeroFox cho biết họ phát hiện ra vấn đề tương tự vào mỗi tháng 9, khi Apple công bố sản phẩm mới. Chúng cũng xuất hiện nhiều hơn vào mùa mua sắm cuối năm. Năm nay, cơ hội cho những kẻ lừa đảo lớn hơn khi Apple công bố đến 3 chiếc iPhone mới.
Chẳng hạn, tài khoản 'iPhone8 Official' trên Facebook và '@official.iphone8.giveaway' trên Instagram hứa hẹn tặng một chiếc iPhone 8 nếu bạn theo dõi chúng thông qua việc click vào các đường link có mã độc. Hiện tại, các tài khoản này đều đã bị gỡ bỏ.
Instagram chưa đưa ra bình luận cho vấn đề này. Trong khi đó, người phát ngôn của Facebook là Bill Slattery đưa ra hướng dẫn cho người dùng cách phát hiện và báo cáo lừa đảo trên Facebook. YouTube cho hay phần hướng dẫn cộng đồng của họ có chính sách chống lại các động thái lừa đảo có chủ đích. “Chúng tôi luôn xem xét cẩn thận và loại bỏ những video có gắn cờ, vi phạm chính sách và tài khoản tung ra những video đó”, đại diện YouTube nói.
iPhone X là mồi câu hấp dẫn của kẻ lừa đảo với những người cả tin.
Các nhà nghiên cứu phân ra nhiều hình thức lừa đảo khác nhau trên mạng xã hội, trong đó phổ biến nhất là fame-farming, đường link lừa đảo, quyên góp lừa đảo và thu thập thông tin cá nhân. Fame-farming là hình thức người lừa đảo tạo ra một trang để thu hút người theo dõi, sau đó dùng với mục đích cá nhân hoặc bán lấy tiền, theo ZeroFOX.
Link lừa đảo đưa người dùng đến với một website trông giống thật và yêu cầu họ đăng nhập. Khi đó, chúng đánh cắp mật khẩu hoặc lừa họ download mã độc bằng cách yêu cầu nâng cấp hệ thống.
Bài đăng giả mạo thu thập thông tin cá nhân chiếm hơn một nửa các vụ lừa đảo trên mạng xã hội, theo Phil Tully, chuyên gia dữ liệu của ZeroFOX. Chúng yêu cầu người dùng đăng tải thông tin gồm tên, email, địa chỉ để nhận được một chiếc iPhone miễn phí. Những thông tin này sau đó được gửi cho hacker để chiếm dụng tài khoản.
ZeroFOX khuyến cáo người dùng nên cảnh giác trước bất cứ thông tin tặng iPhone miễn phí nào trên mạng.
Tại Việt Nam, những tài khoản lừa đảo tặng nhà, xe hoặc iPhone miễn phí, mạo danh nhà sản xuất, công ty hoặc nhà bán lẻ lớn cũng xuất hiện liên tục, đa phần yêu cầu người dùng like page, share bài đăng công khai để tăng lượt tương tác hòng bán kiếm tiền.
Dù được cảnh báo rất nhiều bởi chuyên gia, vẫn có nhiều người cả tin vào các tài khoản giả mạo này.
Đức Nam