Nokia 3310 phiên bản 2017. Ảnh: Anh Quân
Ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc , cho biết đợt hàng đầu rất khiêm tốn, không đủ để giao cho số lượng cực lớn khách hàng đã đặt mua Nokia 3310. Phải đến đầu tháng 6 tới, lượng hàng về mới ổn định.
Ông Trương Hữu Dũng, chủ một cửa hàng điện thoại tại TP.HCM, cho hay, số lượng hàng như trên không bằng một lần ông nhập điện thoại từ một thương hiệu nhỏ về bán lại cho cửa hàng khác.
“Tôi không hiểu Nokia sản xuất ra số lượng nhiêu đó rồi bán về Việt Nam mà đòi có chỗ đứng sao?”, ông Dũng đặt câu hỏi.
Kể từ khi được Microsoft chuyển giao thương hiệu Nokia, hiện nay HMD Global - một công ty mới thành lập tại Phần Lan - chịu trách nhiệm kinh doanh thương hiệu này, với FIH Mobile (công ty con của Foxconn) là nhà sản xuất chính.
Được nhập chỉ vài chục máy Nokia 3310 đời 2017, ông Mai Triều Nguyên - chủ hệ thống Mai Nguyên - đặt vấn đề về năng lực sản xuất của nhà máy Nokia tại Việt Nam cũng như sự nghiêm túc của Nokia khi quay lại Việt Nam.
“Hàng này phải về vài chục nghìn chứ về một, hai nghìn thì bán kiểu gì?”, ông Nguyên nói.
Nokia 3310 là chiếc máy huyền thoại của thương hiệu Nokia ra đời vào quãng năm 2000. Chiếc điện thoại này mới đây được HMD Global đưa trở lại thị trường, vẫn lấy tên 3310 nhưng hình dáng thiết kế có thay đổi. Nokia 3310 phiên bản mới bán chính hãng tại Việt Nam được sản xuất tại nhà máy ở Bắc Ninh, vốn là nhà máy Microsoft Mobile chuyển sang cho FIH Mobile khi Microsoft bán lại nhà máy và quyền sử dụng thương hiệu Nokia cho HMD Global và FIH Mobile.
Nghĩ theo cách thông thường, hãng nào hầu như cũng muốn bán được nhiều máy nhất trong đợt mở hàng đầu tiên. Trong khi Samsung, Oppo, các nhà bán lẻ cho Apple gần đây đều tổ chức nhiều sự kiện rầm rộ, đổ tiền vào các phương thức quảng bá để bán nhiều nhất có thể thì chiếc Nokia 3310 - trị giá hơn 1 triệu đồng - lại được phân phối nhỏ giọt. Nhiều người cho rằng đây chính là chiêu bán hàng bằng cách tạo sự khan hiếm, đẩy nhu cầu mua lên cao nhằm làm giá cho sản phẩm.
Tuy vậy, chưa biết chiêu bán hàng này do nhà phân phối - FPT Trading và Lucky - hay hãng HMD Global chủ định. Tất nhiên, vẫn có khả năng các nhà phân phối tư vấn cho hãng hoặc ngược lại.
Có ý kiến cho rằng hàng về ít là do các bên muốn thăm dò thị trường. Nhưng chiếc Nokia 3310 “hot” thì hầu như ai cũng biết, hai nhà phân phối lâu năm như FPT Trading và Lucky hoàn toàn có thể nhìn ra được điều đó. Ông Mai Triều Nguyên cho rằng ngay cả khi máy nhập về hàng chục nghìn chiếc thì nó vẫn “hot”.
“Đó là một chiêu trong phân phối di động đối với những sản phẩm mới mà nhà phân phối đã đo được sức hút của thị trường. Phải làm như vậy thì các nhà bán lẻ mới quay lại xin được bán hàng”, ông Dũng phân tích.
“Trước đây, “chiêu” tương tự cũng được dùng với máy Asus Zenfone 4 hồi tháng 4/2014. Với sức hút của thương hiệu Zenfone, các bên đã tạo sự khan hàng nhằm đẩy cao nhu cầu, tăng sức bán”, ông Dũng tiếp tục.
Ông Dũng cho rằng, sau khi tạo nhu cầu, các nhà bán lẻ sẽ bắt đầu tìm đến nhà phân phối để đặt hàng. Một khi đã nhìn thấy hết nhu cầu của thị trường qua lượng đặt hàng của các nhà bán lẻ, nhà phân phối khi đó sẽ dễ dàng nắm bắt, dự báo để có nguồn hàng ổn định.
Như vậy có thể thấy, việc Nokia 3310 khan hàng nhiều khả năng có chủ đích từ các bên liên quan hơn là do năng lực nhà máy sản xuất tại Việt Nam (tất nhiên nếu do nhà máy không sản xuất đủ một chiếc điện thoại cơ bản cho thị trường thì đó lại là câu chuyện đáng lo hơn cho Nokia). Tất nhiên mỗi hãng đều có cách làm riêng và thương hiệu Nokia quay lại Việt Nam có thể “sẽ khiến nhiều hãng khác mệt mỏi” – như lời ông Đoàn Văn Hiểu Em trước đây, nhưng HMD Global và các nhà phân phối cũng cần có chiến lược hợp lý để không bị hiệu ứng ngược.
Hải Đăng
Theo ICTNews