Quyết định bỏ cổng 3,5 mm gây nhiều tranh cãi, nhưng một số nhà quan sát tin rằng động thái này của Apple là để mở đường cho những thứ mới mẻ hơn sắp đến.
Tháng tới, khi Apple công bố iPhone thế hệ mới, thêm một sợi dây nữa sẽ được loại bỏ. Smartphone của hãng này được kỳ vọng sẽ tích hợp tính năng cho phép nạp năng lượng mà không cần dây nối.
Sạc không dây đã có mặt trên nhiều sản phẩm từ bàn chải điện cho tới điện thoại chạy Android hay đồng hồ thông minh. Tuy nhiên, những sản phẩm đó không có tầm ảnh hưởng hay tạo được dấu ấn đặc biệt như iPhone. Những gì ra đời trước đó, nếu được đưa vào iPhone, có thể trở nên mới mẻ và tạo thành xu hướng.
iPhone 8 được kỳ vọng sẽ có sạc không dây.
Dan Bladen, nhà sáng lập Chargifi ở London (Anh), chia sẻ với Telegraph rằng khi ông đi châu Phi và Ấn Độ với vợ, Wi-Fi công cộng khá nhiều nhưng rất khó tìm nơi sạc điện thoại khi cần. Công ty đã hợp tác với một số khách sạn ở New York và San Francisco (Mỹ) để thiết lập các điểm sạc không dây.
Công nghệ này hiện chưa phổ biến, nhưng khi Apple tham gia và dẫn đầu, những người khác sẽ đi theo.
Năm 1998, Apple loại bỏ ổ đĩa mềm trên máy iMac, dù gây tranh cãi nhưng sau đó công nghệ này nhanh chóng lỗi thời. Điều tương tự diễn ra với ổ CD-ROM và cổng cắm dây mạng Internet. Hãng cũng kiên quyết không sử dụng pin rời và mới đây là loại giắc cắm tai nghe trên iPhone. Nhiều người tin rằng, khi Apple chọn sạc không dây, nó sẽ trở thành tính năng hiển nhiên trên smartphone cũng như phổ biến trong các văn phòng, nơi công cộng, nhà hàng... giống Wi-Fi hiện nay.
'Bọn trẻ lớn lên sẽ không nghĩ đến chuyện phải cắm dây thì mới sạc được điện thoại, giống như chúng ta hiếm khi phải đi tìm cáp Ethernet cắm máy tính mới kết nối được Internet', Bladen nhận định.
Công nghệ hiện chưa đủ tiện dụng. Người dùng có thể đặt máy lên đế sạc mà không cần nối dây cáp, nhưng đế sạc đó vẫn phải cắm vào ổ điện.
Trong tương lai, các nhà nghiên cứu muốn hướng đến công nghệ mới cho phép thiết bị nạp năng lượng không tiếp xúc, giống cách chúng kết nối qua Wi-Fi để truy cập Internet. Có nghĩa, điện thoại, máy tính bảng... sẽ tương tác qua không gian với bộ sạc, giúp người dùng vừa sử dụng điện thoại vừa di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác trong nhà mà không cần để ý tới nguồn điện.
Công nghệ này đã được nhắc đến từ năm 2010 khi Fujitsu mô tả phương pháp hỗ trợ nhiều thiết bị cùng sạc không dây một lúc trong bán kính vài mét. Cũng trong năm đó, Apple đăng ký bản quyền cho giải pháp truyền năng lượng tới thiết bị cách đó khoảng một mét.
Giữa năm 2016, Marty Cooper, cha đẻ của điện thoại di động, nói với CNN rằng ông đang hậu thuẫn cho công ty Energous nhằm phát triển dock/router (đóng vai trò tương tự bộ phát Wi-Fi router) có thể truyền năng lượng cho tối đa 12 thiết bị trong bán kính 10 mét.
'Lúc nào cũng phải ngồi sát ổ điện hay phải cầm theo cục sạc di động thực sự rất phiền toái', Cooper - người tạo ra chiếc điện thoại đầu tiên năm 1973 - cho hay. Sự phiền toái đó đang tăng lên khi nhu cầu tiêu thụ nội dung đa phương tiện trên smartphone ngày một nhiều, như chụp ảnh, xem video, duyệt web, vào mạng xã hội...
Sạc không dây mới chỉ là ngành công nghiệp nhỏ, có quy mô chưa tới 1 tỷ USD theo thống kê năm ngoái của KPMG. Tuy nhiên, thị trường này được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ ít nhất 65% mỗi năm lên hơn 10 tỷ USD vào năm 2020.
Dù vậy, sạc không dây vẫn có nguy cơ bị kìm chân do sự tồn tại của những công nghệ không tương thích lẫn nhau, dẫn đến cuộc chạy đua để trở thành chuẩn sạc tương lai, giống như cuộc chiến giữa VHS và Betamax trước đây.
Một hạn chế nữa là bức xạ từ điểm sạc không dây cao hơn từ điện thoại di động, tức sẽ phần nào tác động đến sức khỏe. Đa số chuyên gia tin công nghệ này an toàn, nhưng sẽ có những câu chuyện về tác hại của sạc, giống như chuyện về tác hại của sóng điện thoại, làm người dùng phần nào e ngại.
Nhưng nếu Apple tham gia, mọi thứ sẽ diễn ra nhanh chóng hơn, Bladen khẳng định.
Châu An
Theo VnExpress/Số Hóa