Các máy dòng V thường không thật sự nổi bật so với Note, dù vẫn tạo những ấn tượng rất riêng nhưng năm nay thì mọi chuyện lại khá khác biệt. Nếu như Samsung chơi một bài toán quá an toàn với Note 8 thì LG lại mạo hiểm hơn hẳn, kể cả việc chuyển sang thiết kế mềm mại hơn và có phần giống đối thủ.
So với những máy LG trước đó, V30 trở nên trơn tru hơn hẳn, trái với vẻ ngoài có phần nào gồ ghề của các dòng V trước đó. LG V30 được thiết kế gần giống với Samsung, đặc biệt là ở phần các cạnh bên. Mọi thứ được hoàn thiện theo phong cách tương tự với xi bóng và hơi trơn. Tuy nhiên, nếu nhìn chi tiết hơn các bạn sẽ thấy V30 vẫn được LG chăm chút rất nhiều, các nút bấm hay các lỗ microphone, các cổng kết nối đều được sắp xếp thẳng hàng, nằm ở tâm của cạnh. Đây là điểm mà mình đánh giá cao ở LG và chê ở Samsung, vì họ không để ý đến điều này trong nhiều năm nay.
Như đã nói thì LG V30 có thiết kế hơi bè, nó cho mình cảm giác giống Asus Zenfone 3 của năm ngoái nhưng tất nhiên là cầm trơn tru và mượt mà hơn. V30 rất chắc chắn, vẫn đạt tiêu chuẩn chống nước chống bụi IP68 đồng thời có tiêu chuẩn rơi vỡ, chống sốc STD-MIL-810G như các dòng V trước.
Nếu để ý các bạn sẽ thấy V30 không còn tích hợp màn hình phụ như trước kia nữa, mà LG đã thay nó bằng floating bar, một thanh nhỏ xuất hiện bằng cách nhạm nhẹ vào màn hình. Về bản chất thì thanh float này khá giống với Edge Screen của Samsung, nhưng nó hiển thị theo chiều ngang chứ không phải chiều dọc. Bạn sẽ có tối đa là 4 trang floating khác nhau, và chúng ta có thể tắt từng trang một, có thể gọi những người hay liên lạc, mở ứng dụng hay dùng hoặc điều khiển nhạc trên floating bar.
Cũng nói về màn hình, màn hình P-OLED trên V30 không cho mình cảm giác rực như màn hình AMOLED của Note 8 ngày từ lần tiếp xúc đầu tiên. LG cố căn chỉnh để màn hình này trung tính hơn nhưng tất nhiên các bạn có thể thay đổi nhiệt độ màu hay từng kênh RGB một theo ý thích. Tìm hiểu thì LG đã dùng kết cấu màn hình RBGB thay vì RGBG như Samsung. Bọn mình sẽ thử kỹ hơn sau nhé.