Trước tiên, vì sao BKAV cần làm smartphone giá rẻ?
Vấn đề này đã được nhiều kênh truyền thông cũng như cộng đồng người dùng chia sẻ. Việt Nam vẫn đang là một nước nghèo, GDP bình quân đầu người năm 2016 chỉ đạt 48,6 triệu đồng.
Nhiều nơi, người dân chỉ dám mong ước được sở hữu smartphone khi đã cầm trên tay chiếc điện thoại cơ bản với bàn phím vật lý suốt một thời gian dài. Do đó, một sản phẩm giá rẻ sẽ dễ dàng tiếp cận với phần đông khách hàng.
Mobiistar, thương hiệu Việt hiếm hoi ra đời từ cách đây nhiều năm vẫn trụ lại được đến ngày nay một phần là nhờ tập trung vào phân khúc này. Hay như Asanzo và VNPT cũng vừa cho ra mắt những sản phẩm cùng phân khúc.
Mobiistar trụ vững trên thị trường smartphone khốc liệt với những sản phẩm giá rẻ. Vậy, tại sao BKAV lại không làm như vậy?
Khả năng thứ nhất: Họ chưa thể (hoặc chưa muốn) làm
Sản xuất smartphone là một công việc phức tạp, sản xuất ra sản phẩm tốt với giá thành rẻ lại càng khó khăn hơn gấp bội. BKAV, với mục tiêu khẳng định “người Việt có thể làm smartphone” đã rất nỗ lực nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong quá trình sản xuất Bphone.
Thế nhưng, để hoàn thiện tất cả những yếu tố như: thiết kế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế cơ khí, thiết kế điện tử, bảng mạch... một cách tối ưu là chuyện không hề dễ dàng, bởi dẫu sao BKAV vẫn là một công ty phần mềm, chỉ mới bước chân vào lĩnh vực smartphone, nên kinh nghiệm gần như là con số 0 tròn trĩnh.
Do đó, giai đoạn nghiên cứu và phát triển sản phẩm sẽ “ngốn” của BKAV một khoản tiền không nhỏ. Họ mất hơn 4 năm để cho ra đời chiếc Bphone đầu tiên, và thêm hơn 2 năm nữa để giới thiệu người kế nhiệm.
Mặt khác, chi phí mua linh kiện, lắp ráp sản xuất còn tùy vào sản lượng. Mua sỉ gần như luôn rẻ hơn mua lẻ, trong khi với mức độ nhận diện thương hiệu trên thị trường còn hạn chế, BKAV khó có thể đặt hàng với số lượng lớn như các nhà sản xuất khác, đặc biệt là những hãng đến từ Trung Quốc (Xiaomi, OPPO, Huawei...).
Tên tuổi gần như vô danh trong lĩnh vực smartphone của BKAV cũng là một rào cản khi đàm phán với các nhà cung cấp. Nhờ vị thế của kẻ dẫn đầu, Apple thậm chí có những lúc ép giá bạn hàng, còn với BKAV, điều này tất nhiên là không tưởng.
Khả năng thứ hai: Chủ trương định vị thương hiệu của BKAV?
Khi bạn có thể làm được những sản phẩm cao cấp chất lượng ngay từ thời điểm ban đầu, khả năng khách hàng tin dùng những sản phẩm cấp thấp của bạn sau này là rất lớn.
Nhưng ngược lại, khi bạn đã để lại ấn tượng đậm nét về những chiếc điện thoại “ngon, bổ, rẻ”, khách hàng sẽ chỉ nhớ đến bạn vì điều đó, và chỉ mua sản phẩm của bạn khi nào chúng còn có giá rẻ.
Nghĩa là, rất khó để một nhà sản xuất smartphone giá rẻ - tầm trung tiến lên phân khúc cao cấp. OPPO có thể làm mưa làm gió tại phân khúc tầm trung với series dòng F, nhưng Samsung và Apple thống trị hoàn toàn nhóm cao cấp.
OPPO có thể cạnh tranh sòng phẳng với Samsung ở phân khúc tầm trung, nhưng phân khúc cao cấp là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Xiaomi – “ông vua smartphone giá rẻ” đưa mẫu Mi Mix có thiết kế “không viền màn hình” về Việt Nam với giá 16,99 triệu nhưng chỉ sau vài tháng đã giảm còn 12,49 triệu đồng, thậm chí có lúc được giảm còn 9,5 triệu đồng khi mua theo hình thức online tại Thế Giới Di Động mà doanh số vẫn không mấy khả quan.
Do đó, BKAV đã quyết định mạo hiểm khi tấn công nhóm cao cấp ngay từ thời điểm ban đầu để xây dựng hình ảnh về một thương hiệu thuộc tốp trên, sau đó sẽ phủ dần sản phẩm xuống nhóm tầm trung – giá rẻ.
Lời kết
Có thể BKAV chưa thể làm smartphone giá rẻ, có thể họ chưa muốn làm, hoặc cả hai trường hợp này đều đúng.
Họ đã thất bại với Bphone đời đầu, khi chất lượng sản phẩm chưa tương xứng với giá bán. Rút ra nhiều bài học, Bphone thế hệ hai đang được BKAV tích cực cải thiện, nhiều khả năng sẽ sở hữu mức giá và chất lượng tốt hơn.
Dù chủ trương của BKAV là gì, chúng ta cần ghi nhận nỗ lực của công ty này, khi họ dám dấn thân vào một cuộc chơi mạo hiểm, mà rủi ro thất bại là vô cùng lớn nhằm tạo ra hình ảnh khác về smartphone thương hiệu Việt.
Dù thích BKAV và Bphone hay không, chúng ta không nên quá săm soi vào từng tiểu tiết nhỏ của chính sách quảng bá, yếu tố 'hàng Việt Nam' hay những phát biểu của CEO Nguyễn Tử Quảng, mà hãy đánh giá họ cũng như Bphone dưới góc nhìn của một khách hàng thông thường.
Sản phẩm tốt, giá bán hợp lý, tất nhiên sẽ được ủng hộ. Còn ngược lại, Bphone sẽ một lần nữa gánh lấy thất bại. Bạn có cho rằng, BKAV sẽ làm smartphone giá rẻ trong tương lai? Cùng chia sẻ quan điểm ở bên dưới nhé.
Tech Funny