Bằng chip DAC hỗ trợ giải mã âm thanh 32bit/394kHz và DSD512 (tức là gấp 512 lần CD), kết hợp với hàng loạt công nghệ, bao gồm cả chuẩn không dây Bluetooth aptX HD, LG V20 đã cùng mình trải qua những cung bậc âm nhạc hết sức thú vị trong những ngày qua. Cám ơn V20.
Sơ qua về phần cứng âm thanh của V20
Theo thông tin từ LG cho biết thì V20 sử dụng chip Quad DAC 32bit Hi-Fi SABRE ES9218 của ESS. Đọc thông tin từ hãng làm chip âm thanh ESS Technology thì đây là con chip tích hợp bộ giải mã Quad DAC 32-bit stereo, cùng head amp công suất lớn, độ nhiễu cực thấp, đồng thời có kích thước nhỏ gọn, lại có hiệu suất cao, ít tốn điện nhằm mang lại chất lượng audiophile cho người dùng di động. Nó được xếp vào dòng chip pro của ESS với kiến trúc độc quyền HyperStream II giúp khả năng tăng cường âm tầng và độ sạch, độ chi tiết của âm thanh. Tích hợp bộ Analog Volume Control (AVC) cho tỷ lệ tín hiệu trên nhiễu (SNR) 130dB tại mức âm lượng thấp. Bộ Quad DAC là 4 con DAC mắc song song cho dải động âm thanh (DNR) 124dB và tổng méo hài+nhiễu (THD+N) đạt -112 dB.
Cho bạn nào muốn tìm hiểu kỹ hơn về chip DAC SABRE ES9218 trên V20, cách nó hoạt động một cách chi tiết, mời tham khảo thêm Chi tiết hơn về âm thanh trên LG V20: Quad DAC có phải là 4 chip DAC? 3 mic AOP 130dB là gì? Còn trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ chỉ tập trung chia sẻ những trải nghiệm nghe nhạc của V20. Mời xem tiếp, bắt đầu từ phần mềm.
Hifi DAC bật tắt ở mọi app, tính năng tự xác định trở kháng tai nghe thông minh hơn, mạnh mẽ hơn
Ngay khi cắm tai nghe vào trong V20, mặc định chức năng Hifi DAC trên V20 sẽ được kích hoạt, máy bắt đầu chuyển sang sử dụng bộ DAC của Sabre để giải mã tín hiệu âm thanh thay vì xử lý bằng chip tích hợp trên SoC. Còn nhớ ở V10, chức năng Hifi DAC chỉ hoạt động với trình nghe nhạc mặc định (sau này có thêm tool của một bạn lập trình viên viết cho mở bất kỳ đâu), còn bây giờ trên V20, DAC có thể hoạt động với bất kỳ ứng dụng nào, bao gồm cả các ứng dụng quản lý nhạc quen thuộc như Poweramp, USB Audio Player hoặc cả Apple Music trên Android.
Lại nói về trình nghe nhạc mặc định trên V20. Có thể khẳng định đây là một trong những ứng dụng nghe nhạc mặc định trên điện thoại chuyên nghiệp nhất mà mình được biết. Bên cạnh các tính năng quản lý và duyệt nhạc theo album, theo ca sĩ, playlist,… ứng dụng hỗ trợ đọc đủ các định dạng nhạc chất lượng cao khác nhau, đặc biệt là hỗ trợ đọc luôn cả file .cue. Mặc dù đây chỉ là một tính năng nhỏ có thể dễ dàng bổ sung vào trình nghe nhạc nhưng rõ ràng nó thể hiện sự chăm chút cho trải nghiệm người dùng. Hồi xưa mình từng mơ rằng app nhạc mặc định của V10 làm được điều này và bây giờ, mấy anh lập trình viên đã ghi nhận ước mơ của mình.
Một tính năng khá thông minh trên V20 chính là tự động nhận diện trở kháng của tai nghe để set mức gain phù hợp, ngõ hầu khai thác tối đa có thể khả năng của tai nghe. Chức năng này đã có từ thời V10 khi xưa, chúng ta vẫn có 3 mức gain khác nhau, bao gồm mức bình thường, mức gain cao dành cho các tai có trở kháng từ 50 - 600 ohm và cuối cùng là mức line out dành cho các dàn âm thanh,… Ở đa phần tai nghe với các mức trở kháng khác nhau, khả năng nhận diện của V20 tương đối chính xác, duy có một vài trường hợp, bao gồm cả chiếc tai “khó hiểu, khó chiều” như Audeze EL-8 thì do có trở kháng dưới 50 Ohm nên máy vẫn để ở chế độ gain normal.
Âm thiên sáng, cân bằng, chi tiết tái tạo tốt là những điểm mạnh của V20
Với V20, mình dùng thử qua với hàng loạt các tai nghe như Audeze iSine 10, Audeze EL-8 phiên bản open back, Audeze Sine dây gốc, Astell&Kern Layla 2, Bayer Dynamic DT880 bảng 600 ohm để lấy trở kháng, Campfire Dorado, AKG 3003i và tất nhiên là không quên tai nghe tune by B&O đi kèm theo máy. Tất cả đều được đánh với trình nghe nhạc với các chế độ tùy chỉnh ở mặc định, chỉ bật DAC Hifi, tắt tất cả các hiệu ứng EQ,… nhạc với chất lượng từ 16, 24 cho tới 32 bit và cả một số bài DSD.
Nhìn chung, V20 có âm thiên sáng và khả năng tái tạo chi tiết rất tốt. Các âm được đánh khá cân bằng ở cả 3 dải, năng lượng được phân phối đầy đủ, không có dải nào bị lấn lướt hay mờ nhạt hơn so với các dải còn lại. Không gian âm nhạc được tái tạo khá tốt, cho cảm giác khá rõ về chiều ngang. Tuy nhiên chiều sâu hay tính 3D thì hơi mờ nhạt một chút.
Trong thử nghiệm vứi 1812 Overture của Tchaikovsky, phiên bản của Erich Kunzel Cincinnati Pops Orchestra vốn cực kỳ phức tạp về số lượng nhạc cụ lẫn cách thể hiện. V20 thể hiện khả năng bóc tách các nhạc cụ cùng với âm trường được tái tạo tương đối tốt. Từng làn sóng của các nhạc cụ cất lên lúc nhẹ nhàng êm đềm lúc liên hồi dồn dập trong bài nhạc được dồn dập tiến tới tai người nghe, không thể không khiến mình khơi gợi lại về những hình ảnh thanh bình của nước Nga với những giai điệu truyền thống, những cuộc hành quân, những cuộc chiến vệ quốc vĩ đại chống lại quân Pháp xâm lược và cuối cùng, bạn chắc chắn sẽ nổi da gà với những khúc khải hoàng ca với sự hợp xướng của cả dàn nhạc lẫn đại bác.
Với Caribbean Blue của Enya, một lần nữa V20 thể hiện khả năng tách lớp khá tốt. Các âm thanh của bộ gõ, tiếng piano, keyboard và cả tiếng vocal đều được bóc tách khá tốt, cho phép mình “nhìn” thấy những miếng mảng chồng lên nhau trong bài nhạc, kỳ thực như từng lớp từng lớp sóng xô nhau trên đại dương miền nhiệt đới mà chính chúng ta là người cưỡi bồng bềnh trên các con sống đó như tinh thần của bài nhạc.
Còn trong Hey Nineteen của Steely Dan, chúng ta sẽ thấy rõ ràng độ sạch của nền âm do V20 thể hiện. Độ nhiễu thấp, kết hợp với cảm giác về một nền âm sạch sẽ nên tiếng trống bass được V20 thể hiện khá tốt, không quá nhiều tới nỗi lấn lên mid mà đổi lại rất vừa vặn, đầy đủ với decay không quá dài. So với V10, bass của V20 được thể hiện có nội lực và chiều sâu hơn, tuy nhiên nếu khắt khe thì vẫn chưa cho cảm giác thật sự dàn trải. Trong một tình huống khắc nghiệt hơn, như trong Rosanna của Toto, khi mà tiếng bass được đánh ở mid bass với lực khá đầy đủ nhưng xuống sub bass thì có vẽ hơi tắt một chút, đôi lúc sẽ roll off.
Một chiếc điện thoại có khả năng chơi nhạc hay, nghiêm túc và cái “hay” xuất phát từ chính nội lực vật lý, không màu mè, không can thiệp quá nhiều bằng những tính năng phần mềm
Treble của V20 khá giàu năng lượng, đánh sắc nét, mượt mà và chi tiết được thể hiện tốt. Như trong Falling của Olive, giữa tiếng bass đặc sệt, tiếng vocal của ca sĩ cực kỳ dễ harsh ở upper mid và đặc biệt là treble. Ở đây, treble của V20 vẫn được phân phối lượng ở mức cực kỳ vừa vặn, nhiều thì có nhiều đấy, nhưng không đưa tiếng “harsh” sẵn có trong bài nhạc lên tới mức gai người, vẫn đảm bảo rộng mở và cho cảm giác dễ chịu. Tương tự, mid của V20 khá mượt, trung tính, không quá tiến hoặc lùi. Mid được thể hiện khá tình cảm, không gằn hoặc chói, đảm bảo có đủ 'đất diễn' chứ không bị lấn lướt hoặc chìm đi.
Còn nhớ cách đây hơn 1 năm, mình đã có thời gian gắn bó khá lâu với chiếc máy V10 và khi đó, mình đã mơ về một chiếc máy điện thoại biết chơi nhạc hay hơn. Và bây giờ, V20 đã đưa giấc mơ đó đến gần với thực tại hơn với hàng loạt những cải tiến cả về phần cứng, phần mềm chơi nhạc lẫn trải nghiệm âm thanh. LG V20 đã gây ấn tượng một cách đầy xúc động với mình ngay từ những lần nghe đầu tiên và luôn ám ảnh mình suốt 1 tuần sau đó với dòng suy nghĩ: một chiếc điện thoại có khả năng chơi nhạc hay và cái “hay” xuất phát từ chính nội lực vật lý, không màu mè, không can thiệp quá nhiều bằng những tính năng phần mềm mà suy cho cùng, bản chất cũng là một mình thức nào đó của EQ. Kỳ thực với những gì đã làm được, V20 tiếp tục dung dưỡng giấc mơ của mình về một chiếc điện thoại biết chơi nhạc, lại còn chơi hay kho nhạc lossless, tiến gần hơn tới sự chuyên nghiệp mà trong những tình huống nào đó, việc so sánh với các máy nghe nhạc như FiiO X1 Gen 2, AK Jr hoặc Sony ZX100 là điều hoàn toàn có thể.
Theo Tinhte.vn