Khi có hơn 1 tỷ người dùng đổ xô vào mạng xã hội này để săn tin tức, tầm ảnh hưởng của nó đến thế giới là không thể phủ nhận. Với tính năng Live Stream Video của Facebook, hiệu ứng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và các vụ bê bối tin tức giả mạo sau đó, tác động của Facebook trong năm 2016 ngày càng rõ ràng hơn bao giờ hết.
Tuy 'bung lụa' sau Periscope và Meerkat cả năm, nhưng Facebook Live vẫn có vị thế nhất định của mình trong cuộc chiến live video trên di động. Một trong những lý do mang đến thành công này chính là yếu tố nhận diện thương hiệu, và hơn hết là Facebook rất 'chịu chơi'.
Bạn có thể phát hoặc xem video trực tiếp mà không cần phải tải về phần mềm bổ trợ. Thậm chí, Facebook còn hào phóng chi tiền cho các hãng tin và công ty truyền thông để họ tích cực sử dụng live video. Kết quả, Facebook Live ngày càng thịnh hành, lướt Facebook đến đâu cũng thấy... người người, nhà nhà Live Stream Video.
Hồi tháng 5, người dùng Facebook có tên Candace Payne đã phát trực tiếp đoạn video cô đeo mặt nạ Chewbacca và trước khi cô kịp nhận ra, clip đã có hơn 140 triệu lượt xem. Đoạn video này nổi tiếng đến nỗi CEO Mark Zuckerberg đã mời cô tới văn phòng Menlo Park của Facebook, và sau đó cô cũng xuất hiện trên các chương trình khác nhau như: Good Morning America và The Late Late Show with James Corden.
Khen thì cũng khen nhiều rồi, bây giờ đến mặt tối của nó. Facebook Live cũng là nơi phát đi những đoạn video trực tiếp gây tranh cãi như vụ nổ súng của cảnh sát tại Chicago hay Minnesota hoặc cái chết của 11 cảnh sát Dallas trong một vụ biểu tình.
Từ đó cho thấy, tốt hay xấu gì thì Facebook Live đã trở thành một công cụ trợ giúp để phát hành tin tức.
Trang Engadget cho biết, Facebook cũng hợp tác với ABC để phát sóng trực tiếp cuộc hợp thượng đỉnh của đảng Dân chủ và Cộng hòa, cho phép người dân Mỹ không cần bật TV để theo dõi.
Facebook còn 'nghĩ lớn làm lớn' với dự định phát sóng các chương trình truyền hình thực tế, sự kiện thể thao trên nền tảng của mình - Thêm một bằng chứng cho thấy Facebook ngày càng 'phình to' so với các định hướng và suy nghĩ trước đây.
Live Stream và tương lai video ngập tràn FacebookTất cả những động thái trên ăn khớp với vai trò của Facebook trong việc phổ biến tin tức. Mặc dù CEO Mark Zuckerberg lúc nào cũng phủ nhận điều đó, nhưng Facebook có tất cả các dấu hiệu của một công ty truyền thông.
Biết là Facebook không trực tiếp sản xuất nội dung nhưng hàng triệu người coi đó là nơi để nhận thông tin. Nghiên cứu của Pew Research trong năm nay cho thấy, khoảng 44% người Mỹ coi Facebook là nguồn tin chính.
Kết hợp với việc nhiều tổ chức truyền thông hợp tác với họ để sản xuất cái gọi là 'Instant Articles' (đọc báo tức thì) - những tin tức này được lưu trữ trên máy chủ của Facebook thay vì của các công ty đó - rõ ràng Facebook chính là một kênh phân phối tin tức.
Hồi tháng 9 vừa qua, Facebook đã xóa một bài đăng của nhà báo người Na Uy, Tom Egeland, trong đó có bức hình mang tính biểu tượng 'Em bé Napalm'. Tuy nhiên, sau đó Facebook đã nhận sai về mình và đã ngưng chặn bức ảnh 'Em bé Napalm'.
Phát ngôn viên của Facebook cho biết: 'Trong khi chúng tôi nhận ra bức ảnh này mang tính biểu tượng, rất khó để vạch rõ ranh giới giữa ảnh khỏa thân trẻ em hay không. Chúng tôi cố gắng tìm ra sự cân bằng giữa việc cho phép mọi người vừa có thể thể hiện bản thân mình, vừa có thể chấp hành đúng các giá trị cộng đồng mà chúng tôi đã đề ra. Các giải pháp của chúng tôi không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng để cải thiện các chính sách của mình và cách thức chúng tôi áp dụng chúng.'
Facebook đã bỏ chặn và khôi phục lại bức hình 'Em bé Napalm'Hình ảnh mà còn gặp bất cập như thế thì liệu với live video, Facebook sẽ xử lý thế nào?
Hồi đầu năm nay, Facebook từng có một nhóm biên tập viên chỉnh sửa các chủ đề mà bạn nhìn thấy phía bên phải các dòng News Feed. Tuy nhiên, vào tháng 8/2016, Facebook đã giải tán nhóm biên tập này và nhường quyền kiểm duyệt lại cho các thuật toán. Thật không may, vài ngày sau đó, các tin tức giả mạo bắt đầu manh nha.
Do cơ chế dùng thuật toán để lọc chủ đề, Facebook ưu tiên cho hiển thị những câu chuyện với nhiều lượt thích và bình luận. Khi đó, nhiều vấn đề nhạy cảm liên tục được đưa lên top và thu hút sự chú ý của người dùng.
Tin tức giả mạo gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của Facebook, đặc biệt khi có những thông tin cho rằng nó có tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Facebook cho biết sẽ hạn chế tin giả mạo xuống mức thấp nhất có thể, chẳng hạn dừng quảng cáo các trang tin tức giả mạo, có cơ chế dễ dàng để người dùng gửi thông báo phát hiện hay sử dụng bộ kiểm tra của các bên thứ 3.
Hiện tại, Facebook chủ yếu phụ thuộc vào AI (trí tuệ nhân tạo) và thuật toán đề lọc nội dung. Tuy nhiên, rõ ràng yếu tố con người là cần thiết trong chuyện này để phân biệt đâu là thật, đâu là giả.
Đã đến lúc Facebook phải thừa nhận vai trò của mình như một công ty truyền thông thực sự.
Biên tập bởi Tech Funny