“Hãy tưởng tượng bạn vừa mua mẫu iPhone mới nhất từ Apple, lập tức một người khác đang dùng Android sẽ tỏ ra hằn học. Hoặc cấp trên tuyên bố rằng chiếc iPhone sáng bóng có thể khiến bạn không thể thăng tiến hoặc bị đuổi việc”, BBC nói về thực trạng kỳ lạ đang diễn ra tại Trung Quốc.
Apple liên tục gặp sóng gió ở thị trường đông dân nhất thế giới. Ảnh: BBC.
Bài trừ iPhone 7 đang là cách mà một số nhà tuyển dụng tại đất nước này áp dụng để tránh những “fan cuồng” của Apple, những người bị cho là sẽ khơi gợi sự hận thù nơi công sở. Nói không với iPhone 7 đồng nghĩa với yêu nước, hoặc là hành động giúp nhân viên không sống quá thiên về vật chất.
Tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, công ty Nanyang Yongkang ra “tối hậu thư” cấm nhân viên của mình mua iPhone 7 hoặc 7 Plus. “Nếu phá vỡ quy tắc, hãy vào văn phòng và nộp đơn xin thôi việc”, trích một dòng trong thông báo của ban lãnh đạo công ty gửi đến toàn thể nhân viên.
Bản thông báo này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và vấp phải nhiều phản đối. Nhiều người cho rằng việc tẩy chay gây tổn hại đến kinh tế của Trung Quốc, bởi Apple đang sản xuất iPhone trên chính đất nước này thông qua đối tác Foxconn. Số khác cho rằng điều lệ của công ty trên vi phạm quyền của người lao động.
Nanyang Yongkang không phải là công ty duy nhất ngăn cản người dùng mua iPhone 7 ở Trung Quốc. Cách đây ít ngày, người dùng Weibo chuyền tay nhau ảnh chụp bản thông báo của Bệnh viện Fuling Xinjiuzhou Gynecology tại Trùng Khánh. Toàn bộ nhân viên của bệnh viện này bị cấm mua iPhone 7 để tránh lãng phí.
Bên cạnh đó, những ai vi phạm quy định sẽ bị hạ bậc đánh giá và được khuyến cáo trả lại điện thoại cho cửa hàng.
Xem thêm: Camera trên iPhone 7 Plus còn 'kém xa' Galaxy S7?Nói với BBC, quản lý của bệnh viện trên cho biết ông buộc phải hành động khi chứng kiến một nhân viên mua chiếc iPhone 7 có giá 30 lần mức lương hàng tháng.
“Tôi không chống lại các thương hiệu nước ngoài nhưng tôi không muốn thấy những người mua iPhone bằng số tiền vốn vượt quá khả năng chi trả. Một số người vay tiền từ ngân hàng hoặc gia đình, bạn bè, số khác còn bán nội tạng để mua iPhone. Tôi không muốn nhân viên của mình làm những việc như vậy”, giám đốc bệnh viện Fuling Xinjiuzhou Gynecology chia sẻ.
“Mặc dù sở hữu một chiếc iPhone không ảnh hưởng đến hiệu suất công việc của mỗi người, tôi chỉ đơn giản muốn thiết lập các quy tắc quảng bá văn hoá cho công ty: Siêng năng và tiết kiệm”, người này nói thêm.
Trong tháng 7, những người tham gia cuộc biểu tình tại Trung Quốc đã rủ nhau đập nát những chiếc iPhone để tẩy chay hàng hoá Mỹ, sau vụ kiện của Philipines ở Biển Đông. Một số cửa hàng ở Trung Quốc cũng trả lại những chiếc iPhone 7 lỡ nhập từ nhà phân phối để tham gia chiến dịch tẩy chay.
Theo zing.vn