Liệu bạn đã bao giờ tự hỏi, tại sao Sony sản xuất cảm biến hình ảnh chất lượng, được nhiều hãng khác sử dụng nhưng camera trên smartphone của họ lại không đủ tốt để gây ấn tượng mạnh với người dùng?
Theo quan điểm của cây viết Hans-Georg Kluge trên trang AndroidPIT, lãnh đạo Sony đang nỗ lực để cải thiện tình trạng này. Hãng công nghệ Nhật Bản không hẳn đã thua thiệt hoàn toàn so với các đối thủ. Chính Sony là công ty đầu tiên thiết lập tiêu chuẩn quay video siêu chậm ở tốc độ lên đến 960 khung hình / giây (xu hướng sau đó được Samsung tiếp nối trên Galaxy S9).
Thao tác trên chỉ có thể thực hiện được với một cảm biến đặc biệt của Sony. Vì vậy, Sony đang đi đúng hướng về mặt phần cứng. Nhưng họ sẽ còn rất nhiều việc phải làm về phần mềm, vì phần cứng không quyết định tất cả, nhất là khi smartphone thường chỉ được dùng cho những bức ảnh chụp nhanh.
Thuật toán đang là “vua”
Google đã thiết lập nên một tiêu chuẩn rất cao cho camera với công nghệ HDR+ có thể kết hợp nhiều hình ảnh thành một. Qua nhiều bước xử lý, ảnh cho ra cuối cùng có chất lượng rất ấn tượng.
Khi ra mắt iPhone XS và XS Max, Apple giới thiệu một hệ thống khá tương đồng có tên Smart HDR - chọn các khung hình phù hợp từ một vài hình ảnh phơi sáng khác nhau và sau cùng kết hợp chúng thành một sản phẩm hoàn chỉnh.
Samsung cũng đã áp dụng quá trình xử lý bằng phần mềm tương tự kể từ Galaxy S8 dù chưa thực sự kiểm soát hoàn toàn công nghệ này.
Bên cạnh đó, theo giới thiệu của Apple, iPhone mới có thể thực hiện khoảng 1 nghìn tỷ phép tính đối với mỗi bức ảnh với sự hỗ trợ của bộ xử lý thần kinh (NPU).
Dù có đôi chút khác biệt về công nghệ nhưng cả Apple lẫn Google đã tạo thành mô hình chuẩn của một bức ảnh. Theo đó, camera smartphone không còn dựa trên phần cứng – cảm biến tốt nhất, mà phụ thuộc vào phần mềm xử lý ảnh từ dữ liệu ghi lại bởi cảm biến sau khi chụp tốt nhất.
Bằng chứng? Google Pixel 2 dù chỉ có một camera (và số MP thậm chí còn thấp hơn Pixel đời đầu) vẫn cho ra ảnh chụp rất đẹp, không hề thua kém hình chụp bởi smartphone camera kép ở cả ảnh thông thường lẫn ảnh xóa phông, ngay cả trong điều kiện thiếu sáng.
Lối đi nào cho Sony?
Sony có thể phát triển thuật toán liên quan đến HDR như cách mà Google hay Apple đã và đang làm. Nhưng nên nhớ, thành quả ngày hôm nay của Google đến từ nhiều năm đầu tư và nghiên cứu công nghệ kể từ thời Nexus 5X/6P. Việc đuổi theo đối thủ bằng con đường này sẽ khiến Sony không ít thời gian.
Cùng với đó, họ cần chấm dứt việc đưa phần mềm dành cho máy ảnh chuyên nghiệp (kích thước lớn) vào những chiếc smartphone nhỏ gọn, bởi ngay cả các máy ảnh lớn chứa tất cả dữ liệu cảm biến cũng được phát triển và tối ưu hóa thông qua phần mềm.
Phần mềm camera chất lượng cao có thể sẽ là yếu tố quan trọng để Sony vực dậy mảng smartphone. Họ phải mang lại cho người dùng sự hài lòng như những gì Google và Apple đã làm với cách tiếp cận riêng và tận dụng được những lợi thế sẵn có, chứ không chỉ đơn thuần chạy theo xu hướng thịnh hành (camera kép, công nghệ HDR).
Theo bạn, Sony nên làm gì để cải thiện chất lượng camera cho smartphone? Cùng chia sẻ suy nghĩ thông qua phần bình luận ở phía dưới nhé.
Biên tập bởi Tech Funny