Midea Group là một trong những công ty hàng đầu của Trung Quốc. Năm ngoái, công ty này đã lọt vào danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới do Fortune bình chọn. Midea đạt được thành tựu trên nhờ sản xuất máy giặt, máy điều hòa và các thiết bị gia dụng khác, dựa trên lực lượng nhân công giá rẻ đông đảo của mình. Midea hiện có hơn 100.000 nhân viên và đóng trụ sở tại tỉnh Quảng Đông, nơi được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”.
Thế nhưng, công ty này đang muốn thay thế công nhân bằng robot để chuẩn bị cho tương lai của mình. Hôm 18/5, Midea đã đề nghị mua lại Kuka, hãng chế tạo robot công nghiệp hàng đầu của Đức, với mức giá “trên trời” là 5,2 tỷ USD. Nếu đề nghị này được chấp nhận, Midea sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của Kuka.
Đề nghị trên cao hơn 36% so với giá cổ phiếu trong phiên đóng ngày 17/5 và cao hơn 60% so với giá cổ phiếu trong phiên đóng cửa ngày 3/2 của Kuka, ngay trước khi Midea tăng gấp đôi cổ phần ở đây lên 10%. Đây là một trong những đề nghị mua lại một công ty nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Trung Quốc.
Tờ Wall Street Journal cho rằng cái giá trên là “điên rồ” vì Midea định giá Kuka ở mức gấp 38 lần lợi nhuận dự kiến trong năm 2016 của công ty này. Dĩ nhiên, Kuka, viên ngọc quý của ngành công nghiệp Đức chưa chắc đã nhận lời. Nhưng sự quan tâm của Midea là một động thái có nhiều ý nghĩa.
Đối với Midea và nhiều nhà sản xuất khác, tình hình lao động ở Trung Quốc không còn thuận lợi như xưa nữa. Midea khởi nghiệp là một nhà sản xuất nắp chai vào cuối thập niên 1960. Trong những năm sau đó, hãng này đã phất lên nhờ nguồn cung nhân công vô tận, sẵn sàng làm việc với mức lương rẻ mạt. Tuy nhiên, người lao động Trung Quốc đang đòi hỏi mức lương cao và đãi ngộ tốt hơn, và hay đình công và biểu tình hơn.
Trong khi đó, ngành sản xuất của Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn khi các nước như Myanmar, Campuchia và Lào sẵn sàng cung cấp nhân công với giá rẻ hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng Đông Nam Á sẽ trở thành “công xưởng” tiếp theo của thế giới.
Tình trạng nhân khẩu học cũng đang gây bất lợi cho các nhà sản xuất Trung Quốc như Midea. Nhóm dân số trong tuổi lao động ở Trung Quốc đang sụt giảm mạnh. Thanh niên Trung Quốc hiện nay không muốn làm công nhân trong lĩnh vực sản xuất như thế hệ trước nữa. Những thách thức mà Midea đang gặp phải là rất lớn.
Thâu tóm Kuka sẽ giúp Midea đẩy nhanh tiến trình tự động hóa dây chuyền sản xuất mà bắt đầu từ 5 năm trước. “Nếu có công việc nào robot có thể làm được, chúng tôi sẽ để robot làm thay con người. Đó là chiến lược của chúng tôi”, Wu Shoubao, giám đốc bộ phận sản xuất điều hòa của Midea nói.
Tự động hóa, với khả năng quản lý và hiệu suất tốt hơn, cũng sẽ giúp Midea chế tạo các dòng sản phẩm cao cấp hơn. Các nhà sản xuất khác ở Trung Quốc cũng đang trong hoàn cảnh tương tự khi cần nhiều robot hơn để đối phó với tình trạng nhân khẩu học không thuận lợi ở nước này. Việc sở hữu một trong những nhà chế tạo robot lớn nhất thế giới sẽ là món quà không thể tốt hơn cho Midea. Sau 5 năm nữa, rồi chúng ta sẽ thấy đề nghị mua lại Kuka với giá trên trời của Midea là một món hời.