Theo hiệp hội nghiên cứu về các chứng bệnh rối loạn, lo âu của Mỹ (ADAA) thì mỗi năm có khoảng 18% người trưởng thành sống tại Mỹ được chẩn đoán mắc một số dạng ám ảnh sợ hãi hoặc rối loạn suy nhược. Trong đó 19 triệu người sở hữu các nỗi sợ rất đặc trưng. Liệu pháp hàng đầu để điều trị các hội chứng sợ thứ này thứ nọ được gọi là liệu pháp tiếp xúc hay đối mặt với nỗi sợ (exposure therapy).
Trong một phiên điều trị bằng liệu pháp nói trên, một bệnh nhân sẽ được tiếp xúc với nguồn kích thích nỗi sợ trong một môi trường an toàn. Một ví dụ, nếu bạn sợ đi máy bay thì bạn sẽ được cho xem một loạt hình ảnh về máy bay. Kỹ thuật này cứ thế lặp đi lặp lại cho đến khi phản ứng của bạn đối với nỗi sợ giảm đi, lúc này não đã học được rằng không có gì ghê gớm cả, đi máy bay không đau
.
Tuy nhiên, liệu pháp này thường chỉ hiệu quả trong một thời gian ngắn, nỗi sợ sẽ trở lại thông qua triệu chứng phục hồi tự phát. Y học tiên tiến đã giúp chúng ta hiểu được rằng não người sẽ dần phục hồi những liên kết hay những mạch thần kinh nếu như chúng được kích thích khi não trải qua một trạng thái cảm xúc nhất định.
Giả thuyết được đưa ra là có một mạch thần kinh tồn tại trong các phần liên kết của não chịu trách nhiệm chống lại nỗi sợ và giúp bệnh nhân quen với nỗi sợ trong quá trình điều trị tiếp xúc. Nhằm xác định vai trò của mạch thần kinh này cũng như liệu chăng nó có thể được kích thích để kéo dài hiệu quả điều trị hay không, các nhà nghiên cứu đã mô phỏng tình huống này trên chuột, khiến cho chúng phải sợ một loại tiếng ồn nhất định bằng cách … chích điện (một dòng điện gây giật nhẹ) vào chân chuột mỗi khi tiếng ồn phát ra.
Một khi chuột đã cảm thấy sợ tiếng ồn đó, chúng được điều trị bằng liệu pháp tiếp xúc tương tự như người. Lần này chuột được cho nghe tiếng ồn đáng sợ đó nhưng không bị chích điện nữa. Các nhà nghiên cứu tiến hành quan sát và khi liệu pháp bắt đầu phát huy hiệu quả, họ vận dụng một mạch thần kinh kết nối với hạch basolateral amygdala ( BLA ) - trung tâm gây sợ hãi và nucleus accumbens (NAc) - trung tâm thư giãn trong não chuột.
Sự liên kết giữa 2 trung tâm sợ và sướng được các nhà nghiên cứu gọi là mạch BLA-NAc gợi ý rằng nếu nỗi sợ không gây đau như dự kiến (ban đầu bị chích điện, giờ không chích điện nữa, không còn gây đau) thì não sẽ hiểu rằng đây là một hình thức thư giãn. Với liên kết này, nhóm nghiên cứu đã chủ động thử nghiệm các tác động kích thích mạch thần kinh trong các phiên trị liệu tiếp xúc cho chuột. Để kích thích, họ cho chuột uống nước đường mỗi khi nghe tiếng ồn hoặc trực tiếp tác động đến kết nối thần kinh bằng cách nhá các chùm ánh sáng truyền đi thông qua một sợi cáp quang cấy trong một con chuột đã được biến đổi gene để có thể tiếp nhận kiểu kích thích như vậy.
Kết quả cho thấy đối với những con chuột với mạch thần kinh BLA-NAc được kích thích bằng nước đường cho thấy hiệu quả trị liệu kéo dài lâu hơn khoảng 55 ngày so với những con chuột được điều trị không có kích thích. Tương tự, những con chuột được kích thích bằng ánh sáng cũng đạt được hiệu quả điều trị lâu hơn.
Bước tiếp theo đối với nhóm nghiên cứu tại MIT là tìm hiểu về cơ chế kìm nén nỗi sợ của mạch thần kinh này và xác định xem liệu những mạch thần kinh nằm gần đó có hoạt động trong quá trình kích thích khiến chuột sợ hay không cũng như quan sát về các hành vi ngoài dự đoán của chuột đối với nỗi sợ. Hy vọng rằng một ngày nào đó, nghiên cứu của họ sẽ có thể cải thiện các liệu pháp điều trị dành cho những ai mắc các hội chứng ám ảnh sợ hãi gây suy nhược và PTSD.
Theo: MIT