- Thưa PGS.TS Lê Mạnh Thạnh, là người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, gắn bó với các tài năng sáng tạo trẻ, ông nghĩ gì về “hiện tượng” Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông?
- PGS.TS Lê Mạnh Thạnh: Khách quan mà nói, để một sản phẩm công nghệ có thể gây sự chú ý, thành danh trên trường quốc tế không phải là việc dễ dàng. Nó đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố như trình độ, tài năng và cả sự may mắn. Thực tế là Flappy Bird đã tạo được danh tiếng cho Nguyễn Hà Đông và cho khả năng lập trình của người Việt. Về mặt này, chúng ta nên vui mừng và ủng hộ, nên chung tay giúp đỡ và cổ vũ, tạo thế cho sự vươn lên những thành công to lớn hơn nữa của người Việt Nam nói chung, những tài năng trẻ nói riêng. Cá nhân tôi mong muốn các cấp quản lý Nhà nước và các cơ quan thông tấn, báo chí cần kịp thời khích lệ, động viên và hỗ trợ cho những hiện tượng như Nguyễn Hà Đông bởi việc đưa ra một sản phẩm nhận được sự chú ý của cộng đồng CNTT thế giới không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế cho tác giả mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới.
- Ngay trong khi Flappy Bird đang “gây sốt” trên toàn thế giới thì Nguyễn Hà Đông bất ngờ xóa game này, đồng thời rút khỏi kho ứng dụng một cách khá “bí hiểm”. Ngay tức thì, dư luận lại thêm một phen nổi sóng và người ta bắt đầu quay sang“kết tội” Flappy Bird bị “khai tử” là do sự vùi dập của truyền thông. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- PGS.TS Lê Mạnh Thạnh: Theo quan điểm của cá nhân tôi, báo chí là một kênh phản biện xã hội, do đó báo chí hoàn toàn có thể đưa ra nhiều thông tin đa chiều, khác nhau về cùng một vấn đề. Trong câu chuyện của Flappy Bird, việc báo chí đề cập đến các thông tin liên quan như vấn đề bản quyền, thuế, trách nhiệm xã hội… để tham khảo, bàn luận, đánh giá, thậm chí là để “thử thách” bản lĩnh, tài năng của các cá nhân trong xã hội là cần thiết và khó có thể tránh khỏi. Do đó, việc quy kết báo chí, truyền thông là “thủ phạm” gây ra cái “chết” tức tưởi của Flappy Bird là phiến diện và thiếu công bằng.
- Qua hiện tượng Plappy Bird của Nguyễn Hà Đông, ông có muốn nhắn nhủ gì với những tài năng công nghệ trẻ Việt Nam?
- PGS.TS Lê Mạnh Thạnh: Theo tôi được biết, những lập trình viên tự do viết game và ứng dụng trên di động như Nguyễn Hà Đông ở Việt Nam rất lớn, lên đến hàng trăm người. Đa số họ đều làm việc độc lập, sống khép kín và hàng ngày chỉ chuyên tâm vào công việc của mình. Thu nhập của những lập trình viên tự do tuỳ thuộc vào sự thành công của sản phẩm mình làm ra, thực tế có người kiếm còn nhiều hơn cả Nguyễn Hà Đông khi thu về cả triệu USD mỗi ngày, tuy nhiên cũng có mỗi người tháng chỉ kiếm 20.000-30.000 USD; 1.000-2.000 USD hoặc thấp hơn. Từ thành công của Nguyễn Hà Đông cho thấy, cơ chế sáng tạo game một mình hoặc theo nhóm cần được khuyến khích. Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng nên mạnh dạn, xông xáo, tự tin với các sáng tạo của mình. Đồng thời, cũng phải biết gắn sự sáng tạo với trách nhiệm xã hội của người làm công nghệ để tự điều chỉnh nhằm mang lại những lợi ích chính đáng cho cộng đồng, xã hội.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!