Bình thường mình cũng chẳng quan tâm đâu, nhưng hôm đó tự nhiên lại đi ra cầm điện thoại lên xem thì tá hỏa khi thấy mình đã bị trừ tổng cộng gần 1,9 triệu đồng cho 3 giao dịch mua thẻ cào và thẻ game, tất nhiên người giao dịch không phải là mình. Cách đó không lâu, mình cũng đã bị lén sử dụng thẻ để tính phí cho một vé tàu tận bên Anh với giá gần 3,6 triệu đồng, và chuyện này cũng vào khoảng nửa đêm. Nếu anh em cũng gặp vào tình trạng này thì phải làm gì, và cần chuẩn bị như thế nào để không bị xài trộm tiền nữa?
Cũng nói trước luôn là trong hầu hết các trường hợp, tiền của bạn sẽ được ngân hàng hoàn trả lại nếu bạn không phải là người sử dụng, trừ khi chính bạn đã xài mà giao dối bảo không hoặc do bạn cho người khác mượn thẻ. Còn chi tiết mình sẽ nói kĩ hơn ở bên dưới.
Thủ đoạn trộm tiền
Đa phần các trường hợp mà mình và bạn bè, người thân bị lén sử dụng thẻ tín dụng đều phát sinh giao dịch vào ban đêm, cỡ 23 giờ trở đi. Thủ phạm thường thực hiện vào lúc này vì bạn đang chuẩn bị đi ngủ hoặc đã ngủ rồi, khi có tin nhắn hay thông báo trừ tiền tài khoản đến bạn sẽ không để ý, sáng mở mắt dậy thì mọi chuyện đã rồi, tiền trong tài khoản bị khoắn sạch.
Theo dõi một số trường hợp mà mình biết, cách thức hành sự của thủ phạm thường như sau:
Đầu tiên hắn thử mua một món gì đó với giá trị nhỏ, có thể là 1-2 trăm nghìn nếu hàng hóa ở Việt Nam hay 10-20$ nếu thẻ của bạn bị sử dụng từ ngước ngoài
Nếu thấy thẻ còn tiền và giao dịch thành công, hắn bắt đầu mua thêm một món với giá trị cao hơn chút đỉnh, lần này có thể là 5-9 trăm nghìn hay 10-20$ nữa.
Khi cảm thấy tự tin rằng trong tài khoản của bạn có nhiều tiền, hắn sẽ bắt đầu dùng nó để mua một dịch vụ hay món đồ nào đó giá trị cao, có thể là 1 triệu, 2 triệu hoặc hơn thế nữa.
Nếu bạn chưa kịp khóa thẻ, khả năng cao là hắn sẽ tiếp tục thực hiện thêm một hai giao dịch nữa trước khi dừng lại
Những dịch vụ mà các đối tượng này mua thường là những vật phẩm, hàng hóa và dịch vụ có bán online. Ít bao giờ đối tượng sử dụng thông tin thẻ của bạn để đánh thành thẻ giả vì như vậy nguy cơ hắn bị phát hiện và bị bắt cao hơn do cần phải giao dịch ngoài đời, tuy nhiên cũng có chứ không phải là không. Một số món hàng thường bị giao dịch là thẻ cào điện thoại, thẻ game, vé máy bay, vé tàu, tiền đi Uber, trả tiền mua game hoặc vật phẩm trong các game online... Nói chung là những món khó bị truy nguồn gốc và không cần phải gặp tận mặt vẫn có thể dùng được.
Cần làm gì khi mất tiền
Ngay khi phát hiện tài khoản của bạn bị trừ tiền mà giao dịch không phải do bạn thực hiện, ngay lập tức lên web iBanking của ngân hàng khóa thẻ ngay. Để tránh lúng tung, khi còn rảnh rỗi và chưa gặp sự cố, bạn hãy lên web hoặc app của ngân hàng để xem chức năng này nằm ở đâu, khi cần có thể xài ngay, không mất thêm thời gian nữa vì trong những tình huống này mỗi giây đều có thể khiến bạn mất thêm tiền.
Sau khi đã khóa thẻ online, gọi điện lên tổng đài hỗ trợ 24/7 của ngân hàng (số nên tìm trước và lưu vào điện thoại) để trình báo tình hình, nhờ họ xác nhận xem thẻ đã khóa hay chưa, và họ sẽ hỏi bạn là giao dịch nào là giao dịch bạn bị 'hack'. Nhân viên tổng đài sẽ ghi nhận lại.
Đến sáng hôm sau, ngân hàng nơi bạn phát hành thẻ sẽ gọi điện cho bạn để hướng dẫn giải quyết vấn đề. Thường thì bạn sẽ phải lên phòng giao dịch để xác nhận lại rằng bạn không phải là người thực hiện giao dịch, đồng thời làm tờ đơn yêu cầu tra soát và hoàn tiền. Tờ đơn này sẽ có chỗ cho bạn điền tên giao dịch và số tiền cần tra soát nên tốt nhất bạn nên cầm theo điện thoại có cài app ngân hàng hoặc có chứa SMS thông báo trừ tiền để tiện cho việc điền vào (có thể hỏi nhân viên ngân hàng ngay tại đó cũng được, nhưng có SMS trong tay thì viết nhanh hơn, đỡ mất thời gian).
Mình biết là ở một số nước như Mỹ hay Úc thì sau khi bạn bị mất tiền thì ngân hàng sẽ tạm ứng lại cho bạn một khoản tương đương để bạn tiếp tục tiêu dùng. Nhưng ở Việt Nam thì mình chưa thấy vụ này, mình buộc phải chờ tra soát xong thì mới được hoàn trả. Quy trình tra soát kéo dài từ 30 đến 45 ngày. Nói chung là trong khoảng 1 tháng anh em sẽ nhận lại được tiền. Nếu giao dịch phức tạp và diễn ra từ nước ngoài thời gian có thể lâu hơn, như trong trường hợp bị trừ tiền ở Anh của mình thì mất đến 2 tháng mới nhận lại tiền. Anh em nào có trải nghiệm khác thì nói cho mình biết với nhé.
Sau khi đã làm đơn tra soát xong, bạn sẽ cần mở lại thẻ mới để sử dụng (nếu đó là thẻ duy nhất bạn có), còn nếu đã có thêm những chiếc thẻ khác thì không cần làm lại.
Làm sao để không bị tình trạng này nữa
Hãy xem nguyên nhân của vụ việc xuất phát từ đâu? Theo mình đoán, trong trường hợp của mình thì thông tin thẻ đã bị rò rỉ bằng một (hoặc nhiều) trong số những con đường sau:
Mình xác định 2 nguyên nhân đầu có xác suất xảy ra cao hơn cả, và mình đã thực hiện hoàng loạt biện pháp đề phòng như sau:
1. Làm 1 thẻ thanh toán quốc tế (Visa / Mastercard) song song với 1 thẻ nội địa (hay còn gọi là thẻ ATM). Khi đi mua sắm hàng hóa, ăn uống và cần thanh toán thẻ, mình sử dụng thẻ nội địa vì thẻ này cần nhập mã PIN thì mới tính tiền được, trong khi thẻ quốc tế chỉ cần ký một phát là xong, lại có quá nhiều thông tin quan trọng như số thẻ, số CVV, tên chủ thẻ bị phơi bày. Thẻ thanh toán quốc tế chỉ dùng khi mua đồ online hay sử dụng dịch vụ online.
2. Tạo 2 tài khoản riêng, 1 cái dành cho thẻ quốc tế và 1 cái dành cho thẻ nội địa. Tài khoản chính sẽ là tài khoản của thẻ nội địa, khi nào thẻ quốc tế cần xài thì mới chuyển từ tài khoản chính qua (có thể dùng app di động để chuyển cho tiện). Mình chỉ duy trì một số tiền nhỏ cỡ 500 nghìn đồng trong thẻ quốc tế để những lúc cần đi Uber hay Grab thì không mất công chuyển qua.
Việc tách riêng 2 tài khoản này là nhằm giảm thiểu thiệt hại nếu thông tin thẻ của bạn bị rò rỉ. Nếu mất thì cũng lắm cũng chỉ mất vài trăm nghìn đồng mà thôi và quy trình tra soát có thể sẽ nhanh chóng hơn do vật phẩm bị mua có giá trị nhỏ.
3. Tăng cường cảnh giác khi giao thẻ Visa, Mastercard cho nhân viên cửa hàng. Mình chấp nhận việc đi theo họ tới nơi quẹt thẻ. Và điều này chỉ là trong trường hợp hiếm cầm quẹt thẻ quốc tế, chứ còn trong 99% thời gian mình chỉ đồng ý quẹt thẻ nội địa và nhập mã PIN thanh toán.
4. Ghi nhớ vào đầu, sau đó cạo mã số CVV ở phía sau thẻ, thủ thuật này nhân viên ngân hàng chỉ mình. Bằng cách trên một kẻ xấu khi vô tình nhặt được thẻ hay chụp lại thẻ của bạn thì hắn cũng không thấy CVV để tiến hành giao dịch. Lưu ý: vẫn có một số website cho phép thanh toán mà không cần CVV, ví dụ như Amazon chẳng hạn. Bạn cũng nên cẩn thận vụ này.
5. Đảm bảo thông tin thẻ của bạn không bị lộ ra ngoài cho bất kì ai. Nhờ để ý kĩ cái thẻ đừng để mất hay lạc nhé.