Hồ nước ngọt có tên Erie tại Mỹ vừa chuyển sang màu xanh ngọc do hiện tượng tảo nở, hình ảnh ấn tượng được ghi lại từ vệ tinh.
Ảnh chụp từ vệ tinh Landsat 8 của NASA.
Những bức hình bắt đầu được ghi lại từ trên cao hôm 26/9 bằng thiết bị chụp ảnh mặt đất (OLI) lắp đặt trên vệ tinh Landsat 8. Bên cạnh đó, cũng có một số phi cơ không người lái quan sát được hiện tượng này tại bang Ohio. Năm nay, sự kiện tảo nở hoa bắt đầu từ tháng 7, trên Vịnh Maumee, nhưng đã nhanh chóng lan rộng ra các vùng phía Đông và phía Bắc bên trong hồ, dọc theo vùng bờ Michigan, Ohio và Ontario.
Vùng bờ phía tây của Hồ Erie, ảnh chụp từ vệ tinh Lansat 8 của NASA.
Nghi vấn ban đầu đằng sau việc tảo nở tới từ lượng phốt pho xả xuống hồ do các hoạt động nông nghiệp và công nghiệp quanh vùng. Lượng chất trên khi tan trong nước sẽ khiến tảo đi vào trạng thái bị kích thích, được biết đến như hiện tượng 'phì dưỡng'.
Hình ảnh 2 con thuyền đang di chuyển trên mặt hồ.
Theo Cục địa chất và hải dương học (Mỹ), sự nở rộ của tảo đã phát tán ra loại vi khuẩn lam nước ngọt thuộc chi Microcystis. Dù trông khá ấn tượng khi nhìn từ trên cao, những sinh vật có hại này sản sinh ra chất độc có thể làm ô nhiễm nguồn nước uống, gây nguy hiểm tới sức khỏe của con người và loài vật. Các triệu chứng gồm có kích ứng da hay suy hô hấp. Bên cạnh đó, sự phì dưỡng còn khiến lượng oxy trong hồ giảm mạnh, đe dọa sự sống của các loài thủy sinh (chưa kể đến mùi hôi thối sẽ xuất hiện).
Các máy bay không người lái ghi lại hiện tượng tảo nở có hại trên mặt hồ.
Vấn đề ô nhiễm tại hồ Erie từng được đề cập đến trong những năm 1960. Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã đặt Erie vào cảnh báo nguy hiểm. Mặc dù một số nỗ lực làm sạch được thực hiện, vấn đề ô nhiễm tại đây vẫn đang diễn ra và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Hoàng Phương
Theo Đời sống & Pháp lý