Tôi làm du lịch ở tỉnh lẻ. Thật tình cờ, tôi nhận được đoàn khách từ Nha Trang về thăm xứ Tuyên. Vui nhất là lần đầu tiên có khách Tây đi tour với công ty mình.
Nói là đoàn khách nhưng quả thực chỉ có mỗi một khách người Đức. Tôi là giám đốc nhưng đích thân đi liên hệ khách sạn, lập tour tuyến cho khách. Mà thời gian đó cũng vào dịp này, thành phố Tuyên Quang tổ chức lễ hội Trung thu rất nhộn nhịp.
Ông khách Tây thấy phố phường về đêm đông đúc, trẻ già, gái trai xúm vào đẩy các mô hình thì rất ngạc nhiên. Ông cũng xuống đường đẩy các mô hình phỏng theo chiếc xe tăng, máy bay, ô tô.
Đến đoạn đường có đèn đỏ thì ông dừng lại, không đi nữa nhưng đoàn người vẫn cứ đẩy mô hình vượt qua đèn đỏ. Ông trố mắt rồi quay sang nhìn tôi muốn nói điều gì đó.
Tác giả bài viết
Tôi giải thích rằng, ở đây vào mùa lễ hội buổi tối nhà nhà ra phố, các ngã ba đều tắt đèn đỏ nhưng hôm nay chắc “Táo giao thông” quên... Tôi cười thầm với sự “lỡ mồm” của mình, nói “Táo giao thông” thì ông Tây biết là ai. Nhưng rồi, ông ấy cũng hiểu điều tôi nói, gật đầu nhưng vẫn tỏ ra ngạc nhiên lắm.
Trên đường về khách sạn, ông nói với tôi, ở nước ông, dẫu nhà chức trách có quên tắt đèn báo hiệu giao thông trong bối cảnh như thế này thì cũng không ai dám vượt đèn đỏ mà đi cả.
Tôi phớt lờ điều ông nói. Tôi đưa ông đi ăn tối…
Hôm sau đưa ông đi ăn ở khu phố ẩm thực, nhiều lúc tôi thấy khổ sở vì vốn liếng tiếng Anh của mình. Ông Tây cứ nghĩ tôi là hướng dẫn viên thì nói tiếng Anh giỏi là điều đương nhiên nên cứ nói một tràng, có lúc tôi dịch mãi chả nổi.
Thấy tôi đực mặt ra, ông biết là tôi chưa hiểu điều mình nói nên chậm rãi hỏi chuyện, có lúc còn biểu lộ cả cử chỉ để tôi hiểu điều ông nói hơn. Ở bên kia bàn ăn là đám thanh niên, tóc tai đứa thì vàng, đứa thì đỏ ra sức hò dô, “hây ba, hây ba... dô”. Khói thuốc lá tỏa ra quện vào mùi rượu khiến ông Tây ho sặc sụa.
Ông không phàn nàn vì điều đó, tôi đọc trong bản lý lịch sơ bộ của ông gửi cho công ty, ông là người nghiên cứu văn hóa, tôi hiểu ông đang nghĩ gì. Trên đường về khách sạn, ông bảo rằng, thấy ở nước bạn đi ăn ở đâu cũng thấy “dô”, chỗ nào cũng thấy hút thuốc, ở nước ngoài bị phạt rất nặng. Tự thấy xấu hổ, tôi im lặng!
Tôi đưa ông về khách sạn, ông mời vào phòng trò chuyện. Cô tiếp viên còn rất trẻ nở nụ cười rất tươi hỏi nhu cầu của khách, ông Tây ấn tượng quá mời chụp chung một bức ảnh. Cô gái kể rất hồn nhiên, khen “ông Tây ở rất sạch sẽ, ngăn nắp. Chứ không như khách ta, qua đêm, sáng hôm sau dọn phòng rất mệt, tàn thuốc lá, đồ ăn vặt, chăn gối lộn xộn...”.
Trải nghiệm cùng chuyến du lịch với ông khách Tây, tôi học được nhiều điều về nếp sống văn minh, ở ta cứ hô hào nhau mãi mà chưa lay chuyển.
Theo Vietnamnet