Kỳ Diệu là tên của tổ các tài xế GrabBike, gồm gần 500 thành viên. Kỳ Diệu thành lập từ những buổi hàn huyên sau cuốc xe, thành nhóm rồi được công ty Grab quy tụ thành tổ đội. Từ những tài xế Grab mỗi người một nỗi lo, nhờ có đội Kỳ Diệu mà họ thấy công việc dễ thở hơn, nhất là anh em chạy ca xuyên đêm thấy đỡ mệt nhoài.
Buổi họp định kỳ của tổ Kỳ Diệu vào chiều Chủ nhật mỗi tuần. Hơn hai tiếng đồng hồ, tổ trưởng Nguyễn Tiến cứ nhắc đi nhắc lại về câu chuyện an toàn giao thông, về cách đón khách đúng quy định. Từng chi tiết được các bác tài thảo luận bằng cách giơ tay phát biểu, hình ảnh tưởng chừng chỉ có trên bục giảng nay diễn ra ngay ở “giảng đường hè phố”.
Lớp học đặc biệt của tổ Kỳ Diệu do chú Tiến hướng dẫn
Chú Tiến được anh em trong tổ gọi là “bố” phần vì thương, phần vì ơn nghĩa của chú đối với hàng trăm anh em tài xế. Nhắc đến chú, chị Ngọc Hạnh – thành viên trong tổ bồi hồi nhớ lại những ngày mới gia nhập: “Thời điểm mới chạy Grab thu nhập tôi không đủ sống dù cắm mặt chạy ngày đêm. Từ khi vào tổ, được bố hướng dẫn, tôi chạy xe hiệu quả hơn. Bố thương tụi tôi như con, chỉ dạy đủ điều, từ kỹ năng cho đến đạo đức”.
Trong những buổi họp tổ, bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm, chú Tiến còn tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề. Vốn yêu thích cuộc sống tự do, chú quyết định chuyển sang làm tài xế cho Grab từ những ngày đầu công ty thành lập tại Việt Nam. Lúc mới vào nghề, người tài xế này gặp không ít khó khăn bởi bản thân còn “mù” công nghệ. Tuy nhiên, nhờ tinh thần nỗ lực tự tìm tòi, học hỏi, chú Tiến dần quen với những yêu cầu mà một tài xế Grab buộc phải biết.
“Nhiều người cứ nghĩ tải ứng dụng, xách xe ra đường là thành tài xế Grab. Mấy ai biết phải học đủ lớp kỹ năng kiến thức do Grab tổ chức, rồi còn phải thi nữa. Thi có đậu rồi thì mới được chạy GrabBike! Thực ra công việc này đòi hỏi nhiều kĩ năng phải trau dồi hằng ngày chứ đâu hề đơn giản.
Chú Tiến tận tâm chia sẻ kinh nghiệm cho anh em
'Người ta cứ nói xe ôm như tụi tui bạc bẽo lắm, đưa khách đến đúng nơi, về đúng chỗ là hết nghĩa vụ. Nhưng phía sau đó, chúng tôi tổ chức hoạt động đội nhóm, đoàn kết chấp hành quy tắc ứng xử của công ty, học hỏi kỹ năng lẫn nhau để khách hàng thật sự hài lòng', chú Tiến nói. Grab còn có nhiều lớp học hữu ích cho tài xế như lớp tiếng Anh, lớp học võ tự vệ... chú Tiến thường động viên anh em tham gia học để nâng cao “nghiệp vụ”.
Bám nghề suốt một thời gian dài, chú Tiến tích góp cho mình nhiều kinh nghiệm để công việc hiệu quả hơn. Chẳng ngại giấu, hễ tài xế nào thắc mắc, chú đều chia sẻ. “Nhiều khi thấy anh em trong nghề với nhau vất vả, tôi lại xót. Tôi mua cho họ hộp cơm, ly nước và chỉ luôn những kinh nghiệm của mình. Mong là sau này khi vững vàng với nghề, họ chia sẻ với người đến sau, để nghề phát triển bền vững hơn”.
Từ một tài xế Grab thu nhập ổn định, chú chấp nhận lui về làm hậu phương, chỉ dạy anh em. Ban ngày chú nói chuyện với đồng nghiệp, đêm về tranh thủ chạy kiếm thêm. 12 giờ khuya trở về nhà, chú lại cặm cụi dõi theo anh em chỉ đường, giúp đỡ đến tận 3, 4 giờ sáng. “Phải đợi anh em về nhà an toàn tôi mới thấy yên tâm” – chú nói.
Anh em trong tổ gọi chú là Bố như chịu cái phần ơn mà người đàn ông này mang lại cho họ.
Điều chú Tiến mong mỏi nhất là mang đến sự an toàn cho anh em. Chú bảo, cũng may mà Grab có chính sách bảo hiểm tai nạn cho tài xế và hành khách nên anh em chạy xe cũng yên tâm hơn. “Tập thể Kỳ Diệu này là điều tự hào nhất trong sự nghiệp của tôi. Tôi tin rằng, cứ yêu thương, giúp đỡ nhau, mang đến sự hài lòng cho khách hàng thì tài xế Grab sẽ được tôn trọng”, chú Tiến tâm niệm.
Châu Anh (ANTĐ)
Nguồn : http://xehay.vn/nguoi-thay-dac-biet-cua-hang-tram-tai-xe-grabbike-sai-gon.html