Chỉ vài ngày sau khi thử nghiệm kích hoạt 27 động cơ của tên lửa Falcon Heavy diễn ra thành công, SpaceX mới đây cho biết họ sẽ thực hiện cú phóng đầu tiên loại tên lửa này vào ngày 6/2 tới. Tập đoàn không gian do ông Elon Musk sáng lập ban đầu đã dự định phóng tên lửa này từ tận năm 2013 hoặc 2014 gì đó nhưng mãi đến giờ thì mới thực hiện được bởi rất nhiều lý do khác nhau.
Hiện tại, Falcon Heavy đã vượt qua tất cả các bài thử nghiệm và việc phóng nó vào vũ trụ chỉ là vấn đề thời gian. Falcon Heavy bao gồm 3 lõi tên lửa Falcon 9 ghép lại với nhau, tạo thành một con tàu vũ trụ mạnh mẽ nhất từng được chế tạo. Falcon Heavy sẽ được phóng lên từ bệ 39A thuộc Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA, nơi từng chứng kiến các vụ phóng tên lửa và tàu con thoi thuộc sứ mệnh Apollo.
Tên lửa Falcon Heavy quan trọng như thế nào?
Vụ phóng nếu diễn ra thành công sẽ giúp Falcon Heavy trở thành một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành khoa học hàng không vũ trụ. Mặc dù đang phát triển một hệ thống tên lửa/phi thuyền khác dành cho sứ mệnh sao Hỏa nhưng SpaceX khẳng định Falcon Heavy vẫn có khả năng đưa con người lên hành tinh Đỏ nhờ sức mạnh khủng khiếp của nó. Hiện tại Falcon Heavy là tên lửa mạnh nhất đang hoạt động và là một trong những tên lửa mạnh nhất từng ra đời. Trong lịch sử, tên lửa mạnh nhất từng được sử dụng chính là Saturn V do NASA sản xuất, phục vụ cho các chuyến đổ bộ lên Mặt Trăng của tàu Apollo và đã đươc cho “nghỉ hưu” từ những năm 1970.
Một tên lửa càng mạnh đồng nghĩa với việc nó có thể đi càng xa hơn vào không gian, đồng thời chở được nhiều hàng hóa hơn so với trước đây. Điều này sẽ mở ra hàng loạt các cơ hội kinh doanh mới cho SpaceX, từ đó mở ra một kỷ nguyên mà ở đó, các công ty thương mại chứ không riêng gì chính phủ mới có thể thúc đẩy ngành công nghiệp vũ trụ.
Falcon Heavy sẽ phóng gì lên không gian vào ngày 6/2 tới?
Trong sứ mệnh đầu tiên vốn mang nhiều tính thử nghiệm, Falcon Heavy sẽ phóng lên vũ trụ một vật tượng trưng chứ không phải là vệ tinh hay tàu thăm dò gì cả. Cụ thể, vật này sẽ là một chiếc xe điện Tesla Roadster màu đỏ trong bộ sưu tập của ông Musk. Không có lý do nào về mặt khoa học để phóng một chiếc xe vào không gian sâu nên việc đó chủ yếu để quảng bá cho hình ảnh của Elon Musk - CEO Tesla. Khi được hỏi vì sao lại nỡ vứt đi chiếc xe trị giá cả trăm ngàn đô la Mỹ như vậy, ông Musk trả lời: “Tôi thích ý tưởng về một chiếc xe trôi lơ lủng vô tận trong không gian và biết đâu nó sẽ được phát hiện bởi người ngoài hành tinh trong vài triệu năm tới”.
Nếu chuyến bay diễn ra thành công, Falcon Heavy sẽ chính thức thực hiện các nhiệm vụ thật sự quan trọng như đưa vệ tinh hay hàng hóa lên quỹ đạo. Hiện tại SpaceX đã ký được các hợp đồng nhằm đưa 3 vệ tinh viễn thông cho các công ty khác nhau lên không gian. Ngoài ra, Không quân Hoa Kỳ cũng có kế hoạch nhờ Falcon Heavy thực hiện một sứ mệnh mang tên STP-2 để phóng một vài vệ tinh dự báo thời tiết lên vào khoảng cuối năm nay. Đầu năm 2017, SpaceX cho biết có 2 người đã đặt cọc trước một khoản tiền để được đi du lịch vòng quanh Mặt Trăng nhờ Falcon Heavy. Thời điểm đó, công ty tiết lộ chuyến bay đặc biệt này có thể sẽ được thực hiện vào năm 2018 nhưng từ đó đến nay, hãng không đưa ra bất kỳ cập nhật nào mới cho kế hoạch đó.
Chi phí cho mỗi lần phóng là bao nhiêu?
Theo thông tin mà SpaceX cho biết thì con số rơi vào khoảng 90 triệu USD, đắt hơn 45% so với Falcon 9 - loại tên lửa đã thực hiện thành công rất nhiều nhiệm vụ từ năm 2012 đến nay. Vì bản chất là 3 chiếc Falcon 9 hợp lại nên Falcon Heavy sẽ có lực đẩy gấp 3 lần Falcon 9, và nếu so với các đối thủ khác trên thị trường, Falcon Heavy là một lựa chọn với chi phí hợp lý hơn. Ví dụ tên lửa Delta IV Heavy sản xuất bởi United Launch Alliance - công ty liênh doanh của Boeing và Lockheed Martin ngốn mức chi phí lên đến 400 triệu USD cho mỗi lần phóng.
Vì sao lại rẻ như vậy?
Kể từ lúc SpaceX thực hiện vụ hạ cánh thành công tên lửa Fancol 9 về lại Trái Đất là tất cả chúng ta đều biết họ sẽ có lợi thế cực lớn về mặt chi phí đối với các công ty khác, đơn giản vì khả năng tái sử dụng tên lửa. SpaceX hiện nay là nhà sản xuất tên lửa đầu tiên và duy nhất trên thế giới có thể đưa tầng 1 của tên lửa quay về mặt đất an toàn sau khi phóng nó lên quỹ đạo. Trong sứ mệnh đầu tiên, 2 động cơ của Falcon Heavy được tái sử dụng từ tên lửa Falcon 9 từng làm nhiệm vụ trước đó. Trong sứ mệnh kế, SpaceX kỳ vọng có thể hạ cánh thành công cả 3 phần của tên lửa về lại Trái Đất, trong đó, 2 phần sẽ đáp xuống Trung tâm Vũ trụ Kennedy trong khi phần còn lại đáp xuống sà lan ngoài biển.
Nguồn: The Verge