Sau thử nghiệm, James Webb chứng minh được nó có thể chịu đựng được điều kiện khắc nghiệt bên ngoài không gian lạnh lẽo và sẵn sàng tham gia vào các bài kiểm tra tiếp theo.
Chiếc kính thiên văn khổng lồ này sẽ sớm được chuyển tới California để bắt đầu các đợt test mới, trước khi đưa lên quỹ đạo dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2019. JWST khi đi vào hoạt động sẽ trở thành chiếc kính thiên văn không gian mạnh mẽ nhất từng được chế tạo. Nằm ở quỹ đạo cách Trái Đất hơn 1,6 triệu km, James Webb cho phép các nhà khoa học nhìn vào những nơi xa xăm nhất trong Vũ trụ, giúp chúng ta hiểu được cách những thiên hà đầu tiên được hình thành.
Gương chính của JWST lớn hơn 6 lần so với kính thiên văn Hubble hiện tại của NASA, do đó hứa hẹn sẽ cho hình ảnh vô cùng sắc nét, mang đến khả năng nghiên cứu bầu khí quyển của các hành tinh nằm ngoái Hệ Mặt Trời. Tuy nhiên trước khi những viễn cảnh tốt đẹp đó có thể xảy ra, NASA hiểu rằng họ phải đảm bảo cho JWST đủ sức chịu đựng để tham gia vào quá trình phóng và làm việc ở môi trường không trọng lực.
Ảnh: NASA
Trước khi trải qua giai đoạn thử nghiệm khả năng chịu lạnh, NASA đã đưa JWST qua đợt thử nghiệm âm thanh và chấn động tại Trung tâm Không gian Goddard Space Flight ở Maryland nhằm mô phỏng điều kiện mà tàu vũ trụ có thể gặp trong quá trình đưa lên không gian thông qua tên lửa Ariane 5. NASA đã phải tạm ngừng đợt thử này khi JWST có một “phản ứng bất ngờ” khi đang trong quá trình kiểm tra chấn động hồi tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, NASA đã xác định ra guyên nhân của vấn đề và hoàn thành bài kiểm tra đó trước khi JWST được chuyển đến Houston.
Điểm dừng tiếp theo của JWST sẽ là thành phố Redondo Beach (California), nơi nhà thầu chính của dự án là Northrop Grumman sẽ tiếp tục cùng với NASA thực hiện các bài thử nghiệm. Tại đây, kính chính của James Webb sẽ được gắn vào “khiên chắn nắng” - một cấu trúc phức tạp được thiết kế nhằm bảo vệ kính khỏi bị quá nhiệt. JWST hoạt động với dải ánh sáng hồng ngoại, nghĩa là cần phải trong điều kiện nhiệt độ cực lạnh nó mới vận hành bình thường.
Các tấm chắn Mặt Trời được chế tạo từ các lớp mỏng, sử dụng loại vật liệu gọi là Kapton với khả năng phân tán và ngăn chặn nhiệt từ Mặt Trời. NASA cho biết việc lắp ráp lớp chắn nắng này là công đoạn cực kỳ phức tạp, và đây cũng là một trong những lý do khiến cho cơ quan này phải hoãn việc phóng James Webb vốn được dự kiến là vào cuối năm 2018, dời sang giai đoạn đầu năm 2019. JWST sau khi được lắp “khiên” sẽ tiếp tục trải qua một số bài thử nghiệm bổ sung tại Northrop Grumman, sau đó được chuyển đến Guiana (Pháp) để phóng lên không gian.
Nguồn: The Verge