Ngoài hiện tượng Siêu trăng - Mặt Trăng trông lớn hơn và sáng hơn bình thường, còn có nhiều hiện tượng đặc biệt khác khiến kích thước, độ sáng hay màu sắc Trăng thay đổi.
Siêu trăng là gì?
Được coi là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất, Mặt Trăng di chuyển quanh Trái Đất theo một quỹ đạo hình oval. Khi Mặt Trăng di chuyển tới vị trí có khoảng cách gần với Trái Đất nhất (điểm cận địa), kích thước Mặt Trăng khi nhìn từ Trái Đất sẽ lớn hơn.
Đặc biệt, khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng xếp thẳng hàng đúng thời điểm Mặt Trăng ở điểm cận địa, Mặt Trăng sẽ sáng và có kích thước lớn hơn nhiều khi nhìn từ Trái Đất, đó được gọi là hiện tượng Siêu trăng hoặc Siêu Mặt Trăng (Supermoon) . So với kích thước của Mặt Trăng tại vị trí có khoảng cách xa nhất với Trái Đất trên quỹ đạo (điểm viễn địa), Mặt Trăng sáng hơn 30% và có kích thước lớn hơn 14% khi nhìn từ Trái Đất vào lúc xảy ra hiện tượng Siêu trăng.
Thời điểm diễn ra hiện tượng Siêu trăng
Hiện tượng Siêu trăng gần nhất sẽ diễn ra vào ngày 3/12 . Dự kiến bạn sẽ có thêm hai cơ hội rất gần nữa để ngắm siêu trăng vào đúng ngày trăng rằm, đó là ngày 2/1 và 31/1/2018.
Các hiện tượng đặc biệt khác của Mặt Trăng
Bên cạnh hiện tượng Siêu trăng, còn có những thời điểm đặc biệt khác mà kích thước, độ sáng hay màu sắc của Mặt Trăng khi nhìn từ Trái Đất có sự khác biệt so với những ngày bình thường.
Trăng tròn (Full Moon)
Trăng tròn. (Ảnh minh họa).
Là hiện tượng xảy ra khi Trái Đất nằm giữa Mặt Trăng và Mặt Trời. Tại thời điểm này, toàn bộ phần được chiếu sáng của Mặt Trăng có thể nhìn thấy rõ từ Trái Đất và cũng là lúc Mặt Trăng trông 'tròn' nhất.
Trăng rằm Trung thu (Harvest Moon)
Là hiện tượng trăng tròn xảy ra vào giữa mùa thu, đúng thời điểm thu hoạch. Tại thời điểm này, trăng thường sáng hơn so với những thời điểm trăng tròn thông thường.
Trăng non (New Moon)
Là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời. Tại thời điểm này, phần được chiếu sáng của Mặt Trăng không thể nhìn thấy từ Trái Đất.
Nhật thực (Solar Eclipse)
Nhật thực. (Ảnh minh họa).
Là một trường hợp đặc biệt của trăng non. Việc Mặt Trăng nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời trong ngày xảy ra hiện tượng trăng non không đồng nghĩa với việc cả Trái Đất, Mặt Trăng và Mặt Trời đều nằm trên cùng một đường thẳng. Trường hợp Mặt Trăng che lấp Mặt Trời khi cả 3 cùng nằm trên đường thẳng tạo nên hiện tượng Nhật thực.
Nguyệt thực (Lunar Eclipse)
Là hiện tượng xảy ra khi Trái Đất, Mặt Trăng, Mặt Trời nằm thẳng hàng và Mặt Trăng nằm trong vùng tối của Trái Đất nên không nhận được ánh sáng từ Mặt Trời.
Trăng đen (Black Moon)
Là một trường hợp đặc biệt khác của trăng non. Khi phần Mặt Trăng được chiếu sáng rơi vào bóng của Trái Đất, Mặt Trăng biến mất hoàn toàn trên bầu trời, không thể quan sát được trong khi màn đêm không xuất hiện chút ánh sáng nào. Tuy nhiên, một vài ngày sau khi xảy ra hiện tượng này, một mảnh trăng bạc hình lưỡi liềm sẽ dần xuất hiện trên bầu trời. Phần lớn chuyên gia cho rằng lần xuất hiện trăng non thứ hai trong cùng 1 tháng tạo nên hiện tượng trăng đen. Lần xuất hiện trăng đen gần nhất xảy ra vào tháng 10/2016 và lần tiếp theo dự kiến diễn ra vào năm 2019.
Trăng xanh (Blue Moon)
Là một trường hợp đặc biệt của trăng tròn. Phần lớn chuyên gia cho rằng lần xuất hiện trăng tròn thứ hai trong cùng 1 tháng tạo nên hiện tượng trăng xanh. Đây là hiện tượng đối lập so với hiện tượng trăng đen. Về bản chất, hiện tượng trăng xanh ám chỉ hiện tượng này rất hiếm xảy ra và không đồng nghĩa với việc Mặt Trăng có màu xanh.
Trăng máu (Blood Moon)
Mặt trăng máu. (Ảnh minh họa).
Là hiện tượng Siêu Mặt Trăng xảy ra đúng thời điểm nguyệt thực. Tại thời điểm này, Mặt Trăng đi vào vùng tối của Trái Đất và bị che khuất. Tuy nhiên, ánh sáng phản xạ từ bề mặt của Mặt Trăng bị khúc xạ khi xuyên qua khí quyển Trái Đất trước thời điểm xảy ra nguyệt thực toàn phần, khiến Mặt Trăng có màu đỏ rực như máu.