Phượt miền Tây là một trải nghiệm đầy thú vị. Ảnh minh hoạ.
1. Về công tác chuẩn bị:
- Chọn xe tốt, có thể chạy đường trường, xe số được ưu tiên hơn xe tay ga. Và nhớ “con ngựa sắt” này có thể chạy đường trường, máy êm, không hư hỏng dọc đường.
- Hành trang gọn, nhẹ, có thể cột phía sau ba-ga xe.
- Tốt hơn hết nên chọn 1 bạn đồng hành, một “ôm” vừa ý, nếu bạn nắm vai trò là “xế” và ngược lại. Nếu đi nhóm từ 5- 10 người thì là điều tuyệt vời.
- Mang theo võng dù, kín, đơn giản; móc, dây cột, để có thể “mệt đâu mắc võng nghỉ ở đó”.
- Lều di động, dây, chốt cắm.
- Mang theo đèn pin sáng, kem thoa chống muỗi, côn trùng.
- Mang theo 1 ít thuốc để phòng bệnh vặt dọc đường như cảm, đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
- Khẩu trang, áo khoác dài tay, mắt kính, mũ bảo hiểm có kính (nếu chạy buổi tối có thể tránh côn trùng bay vào mắt, đường miền Tây buổi tối rất nhiều côn trùng, bọ cỏ), dao nhỏ, khăn choàng cổ.
- Mang theo bộ đồ nghề sửa xe, vá xe đơn giản, di động phòng trường hợp thủng bánh xe giữa đường.
Nên mang theo bộ đồ vá xe di động trong chuyến đi phượt bằng xe máy. Ảnh : tourdulichmientay.
- Can nhựa để đựng khoảng 1 lít xăng dự phòng.
- Bản đồ địa phương, la bàn.
- Mang theo nước đủ uống và một ít thức ăn khô dọc đường, có thể đi tới đâu mua tới đó cũng được.
- Quần áo đủ dùng, đồ vệ sinh cá nhân.
Nên chuẩn bị những hành trang cần thiết cho chuyến phượt thêm an toàn. Ảnh : minh hoạ.
2. Các vấn đề liên quan đến đường đi:
- Về miền Tây bạn sẽ thấy rất nhiều con đường nhỏ, hẹp, dọc theo con đường là những con kênh, sông sâu. Vì thế, nếu bạn là người từ phương xa đến đây, chưa rành đường đi thì có khả năng “1 quàng bụi rậm, 2 chui lọt xuống sông”. Do vậy, khi đi du lịch phượt bằng xe máy về miền Tây, nếu đi vào ban đêm hãy đi chầm chậm, pha đèn sáng hết mức, cẩn thận hết sức vì có thể bạn sẽ bị ảo giác nhầm giữa đường đi và bụi rậm.
Đường làng miền Tây nhỏ, hẹp và rất khó đi nhất là vào buổi tối Ảnh : vntrip.
- Đi về miền Tây vùng nông thôn nên mang theo đồ nghề vá xe để phòng thủ. Bạn biết đấy, ở miền Tây tầm 6 – 7 giờ tối hầu như các nhà dân đã “đóng cửa, gài then, tắt đèn, đi ngủ”. Vì vậy nếu không mang theo bạn sẽ có nguy cơ “dắt bộ trong đêm tối dài dài” vì đường miền Tây khá vắng, ít tiệm sửa xe như ở các thành phố hay trong khu dân cư.
- Cũng tương tự như thế, hãy dự trữ 1 ít xăng mang theo vì có thể bạn chạy cả cây số mà không thấy cửa hàng xăng bán ở đâu. Tuy nhiên, việc này cần cẩn thận vì nói chung là nguy hiểm. Nếu bình xăng lớn thì đổ đầy bình và chêm vào mỗi khi có thể. Đường miền Tây tầm 8h tối là vắng lặng và các cây xăng ít hoạt động khuya, nhất là vùng dọc biên giới Campuchia nếu bạn đi phượt tới vùng An Giang.
- Nếu đi vào các đường làng, bạn sẽ gặp các cây cầu không có lan can. Gặp trường hợp này tốt hơn hết là để “ôm” đi bộ qua, 1 mình bạn rà rà chạy qua cầu. Đừng chen lấn đi 2 lượt, dễ va chạm. Mà va chạm nếu không quen là “lọt xuống sông” như chơi.
3. Chuyện ăn uống trong quá trình phượt.
Dân ở đâu cũng vậy, dù miền Tây hay miền Bắc, miền Trung hay miền Nam thì cũng có người này người kia, có người cơ hội và có người thật thà. Do vậy, nếu bạn đi du lịch về miền Tây, nhìn bộ dạng bạn chắc chắn người dân sẽ biết, đặc biệt là các chủ quán. Vì thế, dân phượt nên tìm quán nào bình dân một tý, cô chủ quán nhìn hiền hiền một tí và nhớ là trước khi ăn hỏi giá cả đàng hoàng, nhắm hợp lý thì ăn.
Tìm quán bình dân, giá cả hợp lý để ăn uống trong chuyến đi phượt.
Nếu ngại nữa thì có thể “tự biên tự diễn”, ra chợ ăn cho rẻ hoặc mua đồ về tự chế biến. Theo kinh nghiệm của người viết bài này thì thường các tay phượt thường có “hậu cần” ở địa phương mà mình đến, nghĩa là có người quen, bà con xa… như thế sẽ rất có lợi cho bạn trong việc ăn uống. Có thể hỏi họ về giá cả, thức ăn, cũng có thể ở theo kiểu homestay, đưa tiền nhờ họ đi chợ về nấu ăn, ngon, vui, có tình cảm mà rẻ nữa.
4. Về vấn đề ngủ nghỉ:
Du lịch phượt là chuẩn bị tinh thần “ăn bụi, ngủ bờ”. Phượt thủ nào cũng trang bị sẵn cho mình võng hoặc lều di động để có thể cắm trại những lúc cần thiết. Nếu ngủ lều thì nên đốt lửa xung quanh để làm hiệu, tránh sương rơi xuống. Đương nhiên là tìm chỗ nào đó an toàn mới dựng lều ngủ nghỉ. Nếu không, hãy ở nhà nghỉ bình dân cũng được. Giá nhà nghỉ ở miền Tây cũng tương đối, không quá mắc. Tìm tầm 3, 4 chỗ rồi hãy quyết định nên ở chỗ nào.
Một homestay ở miền Tây cũng là nơi nghỉ chân lý tưởng cho những bạn đi phượt.
Những phượt thủ nào “ăn nói có duyên” có thể xin tá túc ở nhà dân, ghe tàu hoặc ở cù lao được thì quá tuyệt vời. Người miền Tây nổi tiếng chân tình, hiếu khách nên bạn cũng đừng ngại thử cơ hội này đi nhé. Đây còn được xem là một “kỹ năng mềm” trong cuộc sống đấy các bạn. Chắc chắn sau lời đồng ý sẽ là một đêm rất ấn tượng. Bạn cùng bạn đồng hành của mình có thể làm việc cùng với gia chủ, có thể hát hò, nhâm nhi, tâm tình trong bữa tối, nghe một câu vọng cổ ngọt “như mía lùi” của các nghệ sĩ nghiệp dư. Người viết bài này đã từng chứng kiến, bên chén rượu nồng nàn, cả khách, cả chủ nhà nói cười và hát hò rôm rả. Sẽ là một trải nghiệm quý giá trong cuộc đời “phượt thủ”.
Kinh nghiệm là bể học của muôn đời, có đi mới biết, có trải nghiệm mới đúc kết được kinh nghiệm. Vì thế chỉ có thể chia sẻ cho các bạn những kinh nghiệm phượt bằng xe máy về miền Tây như trên. Chắc chắn là chưa đủ nhưng cũng tạm ổn cho những bạn có ý tưởng muốn phượt về miền Tây 1 ngày. Thông tin trên đây chỉ dựa vào kinh nghiệm chủ quan của người viết, do vậy bạn hãy cân nhắc và chọn lọc để có được chuyến đi phượt tốt đẹp nhé. Chúc các bạn có những chuyến đi phượt về miền Tây vui, an toàn và ấn tượng.
Nguồn : tổng hợp từ Viet Fun Travel.