Theo Volkswagen, lợi thế của xe sử dụng pin nhiên liệu so với xe chạy điện phần lớn nằm ở thời gian nạp năng lượng. Trong khi xe điện mất nhiều giờ đồng hồ để sạc pin, thì xe sử dụng pin nhiên liệu lại chỉ mất vài phút.
Dĩ nhiên, các mẫu xe sử dụng pin nhiên liệu cũng có một số nhược điểm, trong đó, theo Volkswagen, đáng chú ý là chi phí tương đối cao. Tuy nhiên, công ty hiện đang cố gắng thay đổi điều này bằng cách hợp tác với Đại học Stanford.
Kết quả là hai bên phát triển được một quy trình mới, trong đó nguyên tử bạch kim được đặt chính xác trên bề mặt carbon để tạo ra những hạt cực mỏng. Điều này nghe có vẻ phức tạp với những ai không am hiểu về khoa học, nhưng theo Volkswagen, quá trình này sẽ làm giảm lượng bạch kim cần phải sử dụng, tăng độ bền của chất xúc tác và quan trọng hơn là tăng hiệu quả của chất xúc tác lên gấp 3 lần so với công nghệ hiện tại.
Về mặt kỹ thuật, các pin nhiên liệu cần có bạch kim với vai trò là một loại chất xúc tác. Tuy nhiên, các công nghệ hiện tại là chưa thực sự hiệu quả, khiến cho phần lớn lượng bạch kim sử dụng bị lãng phí. Do đó, các loại pin nhiên liệu có giá thành đắt hơn đáng kể so với hầu hết các bộ phận chính của xe.
Giáo sư Friedrich Prinz của Đại học Stanford giải thích: “Công nghệ này mở ra những khả năng to lớn để giảm chi phí, khi lượng kim loại quý cần sử dụng được giảm thiểu. Đồng thời, tuổi thọ và hiệu suất chất xúc tác tăng lên.”
Mặc dù có sự đột phá, Volkswagen vẫn tỏ ra thận trọng khi cho biết, các nhà nghiên cứu cần nỗ lực hơn nữa để đem phát kiến mới vào trong hoạt động sản xuất quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, công ty cũng ghi nhận, tiềm năng tiết kiệm chi phí có thể sớm khiến pin nhiên liệu trở thành lựa chọn thay thế phù hợp cho các động cơ điện và động cơ đốt trong cổ điển./
Nguồn: Carscoops/Dân trí