Dù đã đi hết gần 2/3 chặng đường của năm 2018, nhưng giấc mơ về xe giá rẻ của người Việt vẫn chỉ là nỗi vô vọng. Trong hoàn cảnh này, xe bán tải đã không còn là dòng xe yêu thích của người tiêu dùng Việt, do bộc lộ nhiều hạn chế và có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh xứng tầm.
Xe mới bung hàng nhưng không có giá rẻ
Trong đầu tháng 8, hàng loạt thông tin doanh nghiệp trong nước và nhập khẩu ra mắt xe mới. Sau Mitsubishi Xpander là Hyundai Kona đều có giá trên 600 triệu đến hơn 700 triệu đồng/chiếc, chưa bao gồm các loại phí lăn bánh vào khoảng 80 đến 100 triệu đồng.
Giấc mơ xe giá rẻ vẫn xa vời đối với người dân Việt.
Trong khi đó, thông tin chiếc “xế hộp” Vios được nâng cấp cả nội ngoại thất để dư luận không còn nói là “thùng tôn di động”, nhưng sau động thái nâng cấp này, Vios vẫn không giảm giá bán, giá vẫn ở ngưỡng 600 đến 700 triệu đồng.
Honda CR-V đời 2018, gây sốt thị trường vừa qua được nhập từ Thái Lan. Mẫu xe 1.5L này đang bán với giá rẻ nhất trên 970 triệu đồng và đắt nhất là 1,1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng với bản CR-V 1.5 L, giá bán tại Indonesia có giá bán thấp nhất khoảng 498 triệu Rupiah (khoảng 782 triệu đồng). Tại Malaysia, mẫu xe CRV 1.5L cũng có giá bán khoảng 146.500 Ringgit (815 triệu đồng/chiếc). Giá CR-V bán tại Việt Nam cao hơn từ 180 đến hơn 200 triệu đồng.
Honda HR-V tại Thái Lan được bán với giá 1,1 triệu Baht (751 triệu đồng). Tại Malaysia, giá của mẫu xe này có giá từ 92.000 – 111.400 Ringgit (khoảng 512 triệu đến 629 triệu đồng). Tại Indonesia, giá xe này cũng dao động thấp nhất 280 triệu Rupiah đến 363 triệu Rupiah (tương đương 440 đến 570 triệu đồng).
Ngoài ra còn nhiều dòng xe khác như Wigo và Rush của Toyota cũng được nhập thử nghiệm vào Việt Nam song bị đội giá thêm nhiều so với chính nước xuất xứ.
Bỏ thuế nhập chưa đủ để hạ giá xe
Với lượng xe đông đảo, người tiêu dùng đang mong chờ một kịch bản có thể giảm giá xe. Tuy nhiên, có thể từ nay đến hết năm thị trường khó có thêm biến động.
Giới buôn xe cũng tiết lộ các đợt giảm giá sẽ không nhiều bởi hiện xe nhập về Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước, cung đủ cầu thì giá xe cũng khó có thể giảm
Cuối năm, các hãng xe đều có chiến dịch giảm giá để đẩy lượng xe tồn đọng. Năm ngoái, Mitsubishi đã giảm giá gần 200 triệu đồng/xe đối với Outlander để bán số xe đời 2016 – 2017, chuyển sang nhập và lắp ráp tại Việt Nam mẫu xe mới 2017 – 2018. Tương tự, Honda cũng giảm giá dòng xe CR-V 5 chỗ để chuyển sang nhập dòng 7 chỗ mới từ Thái Lan.
Giới buôn xe cũng tiết lộ các đợt giảm giá sẽ không nhiều bởi hiện xe nhập về Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước, cung đủ cầu thì giá xe cũng khó có thể giảm. Bên cạnh đó, thị trường còn chưa có thông tin diễn biến chính sách hoặc doanh nghiệp đi đầu châm ngòi cho giảm giá xe.
3 dòng xe mới từ Indonesia và Thái Lan có thể nhập về Việt Nam sắp tới là Wigo, Rush, HR-V. Tuy nhiên, giá bán kênh phi chính thức đang chênh với nước xuất xứ dòng xe này từ 200 đến 300 triệu đồng/chiếc, mức giá khá đắt đỏ so với nước bạn, dù thuế nhập về bằng 0%.
Chợ xe nhập Việt, xe Thái và Indonesia “bá chủ”
Xét về xuất xứ, thị trường xe nhập Việt chủ yếu để dành cho Thái Lan và Indonesia. Hết tháng 8/2018, cả nước nhập hơn 9.200 chiếc xe khiến lượng xe của hai nước Đông Nam Á vào Việt Nam đã đạt trên 8.300, bằng gần 91% tổng lượng xe.
Thời gian sắp tới, thị trường Việt Nam có thể được bổ sung thêm các dòng xe mới từ hai nước Đông Nam Á như: Honda HRV, Toyota Wigo hay Rush, khiến lượng xe từ các nước này tiếp tục về Việt Nam nhiều hơn, cho dù hầu hết các thương hiệu xe xuất xứ hai nước trên đều là của tập đoàn toàn cầu của Nhật Bản hay Mỹ.
Theo con số của hải quan công bố, với hơn 6.200 chiếc nhập về, lượng xe Thái trong tháng 8 đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước 2017.v
Từ “á quân” tiêu thụ, “vua bán tải” dần thất thế ở Việt Nam
Từ vị trí số 2 về doanh thu tháng 7 năm trước, nay doanh số xe bán tải rơi tự do, nhường đường cho xe sedan và xe đa cấp các loại đang được yêu thích tại Việt Nam.
Thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 7/2018 xe pickup tiêu thụ được hơn 634 chiếc, tăng hơn một nửa so với các tháng trước đó. 7 tháng đầu năm, lượng xe này bán ra được hơn 6.500 chiếc.
“Vua bán tải” dần thất thế ở Việt Nam
“Thị hiếu hiện nay đã thay đổi và thị trường cung ứng xe cũng đa dạng hơn. Tại các thành phố lớn, những chiếc bán tải to, dài dường như không còn phù hợp. Trong khi đó, các dòng xe nhỏ, xe đa dụng cỡ vừa đang ngày càng nhiều lựa chọn về giá, điều này đã hút khách mua xe bán tải ở Việt Nam”.
Trên thực tế, xe bán tải có nhiều lợi thế ở Việt Nam, mức thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) chỉ từ 15 – 25% (tuỳ theo dung tích), trong đó mức phí trước bạ chỉ 2%, mức giá biển 2 triệu đồng… dòng xe này rất được ưa chuộng trên thị trường nông thôn, đặc biệt là khả năng đa dụng vừa chở người, vừa chở hàng hoá.
Tuy nhiên, điểm trừ của dòng xe này là chỉ phù hợp với các tỉnh, nông thôn, còn tại các đô thị ở Việt Nam di chuyển và đỗ khó khăn, bất tiện. Đặc biệt, thời gian qua, mức giá của các dòng pickup tại Việt Nam vẫn khá “cứng”, không có nhiều đợt giảm giá trong khi đó các dòng xe khác đều giảm giá kéo khách.
Thị trường xe cũ đìu hiu
Khác với thị trường Lào và Campuchia (xe cũ vẫn được ưa chuộng và trở thành thị trường rất thịnh hành cho lái buôn), thì tại Việt Nam xe sang đời cũ lại có số phận “hẩm hiu”, thậm chí rẻ cũng không ai muốn mua.
Thị trường xe cũ đìu hiu
Không khó để tìm kiếm các thông tin xe sang đời cũ với mức giá dưới 300 triệu đồng trên các trang mạng và rao vặt bán xe. Các thương hiệu xe có đầy đủ từ Mercedes, BMW, đến Audi, Lexus…
Mặc dù giá rẻ, nhưng chọn xe sang đời cũ không đơn giản đối với người tiêu dùng. Đa số người dùng xe cũ vì mục đích cá nhân sẽ chọn những xe phổ thông, thay thế đồ rẻ, lại dễ dàng. Còn đối với dân làm ăn, chạy xe kiếm tiền, họ có nhu cầu những xe chở được nhiều người, rộng rãi và chạy đường trường, ít hao nhiên liệu thay vì chiếc xe bóng bẩy, ăn xăng.
Theo Dân trí