‘‘Lúa nảy mầm, ruộng đồng ngập trắng, miếng cơm khô giọt nước mắt nghẹn ngào’’. Mồ hôi chưa kịp khô lại vị mặn của giọt lệ. Thiên tai bão lũ, nông dân trăm nỗi bộn bề.
Nông dân trăm nỗi nhọc nhằn. Con người trở nên bé nhỏ khi chống chọi với thiên nhiên.
Nông dân Việt Nam cần cù chịu khó, cả cuộc đời trông vào hạt lúa cây ngô, trong thiên tai bão lũ, họ oằn mình gồng gánh, nhưng sức người vô cùng nhỏ bé trước thiên nhiên, họ chỉ biết ngậm ngùi trong nước mắt.
Tôi bắt gặp hình ảnh một bà mẹ nâng vạt áo lau nước mắt khi nhìn cánh đồng ngập trắng trong nước, trong tôi không khỏi nghẹn ngào, ‘‘Mất hết rồi’’.
Câu nói thốt ra đầy đắng cay, cả vụ chăm bón, một sương hai nắng chẳng quản ngại mà cuốc cày vun xới, đến ngày chờ lúa đơm bông, trong lòng ngập tràn niềm hứng khởi, mong ngóng ngày hạt lúa đầy sân thì ông trời kéo mây đen, gió bão, mưa ngập trắng cánh đồng, lúa không kịp gặt, bão táp chôn vùi cả mồ hôi nước mắt người nông dân.
Bao nỗi nhọc nhằn không kể xiết, nâng bát cơm mà nghẹn đắng sao trôi. Nỗi khổ của người nông dân đã được rất nhiều nhà văn, nhà thơ khắc họa trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, nhưng không thể lột tả hết được cuộc sống gian nan, nhọc nhằn của họ.
Những con người lao động chân chất đáng kính, hạt gạo trắng ngần, hạt cơm thơm dẻo là công sức biết bao ngày tần tảo.
Trong những năm gần đây, thiên tai liên tiếp xảy đến với con người, năm thì hạn hán chẳng giọt mưa, không cây trồng nào có thể sống, năm thì mưa trắng đất trời, xối xả như những cơn giận dữ trút xuống dương gian, ta chỉ thấy nước mắt của nông dân với sức người nhỏ bé gồng mình chịu cực, đâu rồi nụ cười hong khô mái ngói khi mùa màng bội thu, đâu rồi nụ cười làm ngọt giọt mồ hôi khi lúa chín vàng ươm cánh đồng.
Những đứa trẻ của nhà nông như chịu chung nỗi khổ của cha mẹ, nước ngập tới nhà, sách vở không kịp cất, bút mực mất rồi viết sao đây, từng con chữ như trôi theo dòng nước, đôi mắt ngây thơ hỏi mẹ: Bao giờ trời hết mưa? Nhớ trường, nhớ bạn nhưng mất hết sách vở rồi, bao giờ mới được đi học?
Câu hỏi để ngỏ mà chẳng có câu trả lời. Tôi chợt thấy một em bé dùng áo lau khô trang giấy đã ướt nhèm, cố gắng tìm trong nước những quyển sách hay cây bút. Khao khát tri thức của những đứa trẻ làm tôi nhói lòng, sự ngây thơ trong sáng chẳng hiểu chuyện gì của chúng như một lời khiển trách những người lớn như chúng ta.
Có những trận mưa bão người dân không chỉ mất mùa, mà còn bị nhấn chìm trong nước. Mưa lũ như sự giận dữ của thủy thần, cuốn trôi toàn bộ tài sản, nhà cửa. Sẽ không khó khi nhìn thấy người dân ngồi trên nóc của một ngôi nhà, trời làm màn, nước làm chiếu. Qua đêm lạnh với chiếc áo phong phanh, được bát cơm lúc này là điều xa xỉ, mì tôm, lương khô ăn chống đói chờ từng ngày nước rút.
Miền núi cao thì sạt lở cả núi đồi, chôn vùi cả bản làng, thành thị, lũ đầu nguồn cuốn sạch gia súc, cửa nhà, chỉ sau một đêm người dân trắng đôi tay. Người sống sót thì thở phào nhẹ nhõm, nhưng đau thương khi mất người thân. Tiếng khóc ngập trời đầy mưa đen tan tóc.
Thiên tai mà con người đang đối mặt, phải chăng chính là sự giận dữ của việc bạc đãi thiên nhiên?
Hạn hán, mưa lũ, bão tố… phải chăng là những cơn thịnh nộ của đất trời, khi con người không ngừng chặt phá rừng, không ngừng đào bới đất để khai thác khoáng sản, không ngừng thải chất độc làm ô nhiễm nguồn nước, không ngừng thải ra không khí những khí độc từ các nhà máy công nghiệp?
Nhóm nghiên cứu từ Trường đại học Birmingham ở Anh đã sử dụng một mô hình toán học để chỉ ra rằng có sự giao tiếp giữa hai nhóm tế bào của thực vật. Chúng thúc đẩy việc “nằm im” dưới lòng đất và thúc đẩy sự nảy mầm, đồng thời đó là kiểm soát sự nhạy cảm của thực vật đối với môi trường.
Những công trình nghiên cứu chứng minh được cây cũng có tư duy, suy nghĩ như con người, từng phân tử nước có biểu cảm hay tương tư của con người.
Các thí nghiệm khoa học đã cho thấy tinh thể nước cho ra những hình ảnh đẹp đẽ hay xấu xí khác nhau khi được dán các thông điệp: Yêu thương (Love), Cảm ơn bạn (Thank you) và Tao ghét mày (I hate you)
Vậy chúng có được coi là những sinh mệnh tồn tại cùng chúng ta không? Khi con người làm phương hại, tổn thương tới chúng, thì liệu chúng có nổi giận mà báo thù không. Mưa lũ có phải là sự tức giận của thủy thần? Đất đai cằn cỗi có phải là sự báo oán của mẹ đất vốn đã bao dung? Hạn hán, nóng cháy da cháy thịt có phải là sự trả giá cho việc chặt phá cây cối vốn được tạo hóa sinh ra để bảo vệ cho con người?
Tất cả mang cho con người một thông điệp, hãy sống biết hòa nhập và coi trọng thiên nhiên, hãy trân quý giá trị cuộc sống.
Thiên nhiên mang đến cho chúng ta bao nhiêu là lợi ích. Thế nhưng con người chúng ta lại không biết tôn trọng, bảo vệ và giữ gìn chúng. Chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vô tội vạ. Chúng ta làm ô nhiễm tài nguyên nước cũng như không khí bằng các chất thải độc hại từ các nhà máy, xí nghiệp, các phương tiện giao thông thường ngày. Tất cả các khu rừng đều bị chúng ta tàn phá, chúng ta đốt rừng, chặt phá cây cối để tìm kiếm lợi nhuận riêng cho chính bản thân mình mà không nghĩ đến người khác
Đây là dòng sông rác thải
Chặt phá rừng…
Con người không còn sự lựa chọn nào khác là hãy biết trân quý và giữ gìn bảo vệ mẹ thiên nhiên, để có thể sống hòa nhập với đất trời, sự hiện đại trong cuộc sống đầy đủ tiện nghi hay công nghệ như ngày nay không thể đem lại cho con người một cuộc sống thực sự trong lành. Con người đang bị nô lệ hóa vào khoa học và công nghệ mà quên đi nguồn gốc và bản tính của mình. Thay đổi tư tưởng đạo đức, thay đổi cách nhìn nhận, chính là thay đổi cuộc sống của bản thân. Biến cuộc sống trở nên thực sự tươi đẹp.
Thay đổi tư tưởng đạo đức, thay đổi cách nhìn nhận, chính là thay đổi cuộc sống của bản thân. Biến cuộc sống trở nên thực sự tươi đẹp.
Tịnh Tâm – Hà Phương