Khi Nintendo Switch cũng như NES Classic đang làm mưa làm gió, thậm chí cỗ máy 4 nút được Nintendo hồi sinh đang cháy hàng và không thể mua được trên internet, thì fan hâm mộ anh chàng thợ sửa ống nước Mario lại ngậm ngùi khi ông lớn xứ sở Hoa anh đào đã âm thầm ngưng sản xuất cũng như hỗ trợ cỗ máy chơi game Wii U, vốn được tạo ra để cạnh tranh trực tiếp với PS4 và Xbox One của Sony và Microsoft. Với chỉ vỏn vẹn 13,6 triệu máy được bán tính đến hết tháng 9 vừa qua, doanh số củaWii U là rất thấp khi so với 32 triệu của N64 và 101 triệu máy Wii. Thậm chí hệ máy GameCube vốn không được đánh giá cao cũng bán được 21 triệu máy. Wii U sẽ được thay thế bằng Switch.
Nhắc đến cái tên Nintendo, đa phần giới gamer đều lập tức nghĩ tới một biểu tưởng đầy sức mạnh trong nền công nghiệp game thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng. Trong khi Sony và Microsoft phải liên tục đấu đá nhau trong nhiều năm qua, nào là chạy đua phần cứng, giới thiệu mẫu mã mới, đổi mới công nghệ... Nintendo vẫn bình thản một mình một đường với lượng doanh thu khổng lồ đến từ các hệ máy chơi game cũng như những thương hiệu game độc quyền quen thuộc. Thế nhưng đó lại không phải những lời hoa mỹ chúng ta dành tặng cho Wii U.
Từng là một cỗ máy đầy hứa hẹn với cách điều khiển vô cùng ấn tượng và độc đáo, dĩ nhiên trong năm 2012, ai cũng coi chiếc máy Wii U là một cuộc cách mạng mới của nhà phát triển game cũng như phần cứng Nhật Bản, đặc biệt là sau thành công ngoài sức tưởng tượng của cỗ máy chơi game Wii vốn vô cùng thân thiện với các gia đình, các game thủ nhí với nhiều tựa game vận động hấp dẫn.
Mục đích của Nintendo khi ra mắt Wii U hoàn toàn không phải là cạnh tranh về mặt sức mạnh xử lí đồ họa với hai đại gia Microsoft và Sony bởi để các nhà phát triển game làm quen với một hệ máy mới vào thời điểm này là hết sức khó khăn. Vì vậy, trải nghiệm và sự tương tác mới lạ của người chơi đối với chiếc màn hình TV mới là điểm nhấn của Wii U. Nhân tố chính giúp Wii U có thể đạt được mục tiêu ấy chính là chiếc gamepad.
Thời đó, Wii U có thể coi là một cuộc cách mạng tạo ra sự bứt phá về không gian chơi game tại nhà của mọi người. Nó không chỉ đem lại những trải nghiệm tốt hơn, tự do hơn mà còn không hề làm hỏng những giá trị mà Nintendo đã xây dựng nhiều năm vừa rồi cho Wii.
Thế nhưng người tính không bằng trời tính, ấy là chưa kể Nintendo đã quá tự tin vào thành công của Wii khi tung ra một con át chủ bài có phần bom xịt với những công nghệ nghe qua thì có vẻ cách tân ấn tượng nhưng đến giờ này vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả. Khả năng chơi game với tay cầm tích hợp màn hình gần như không được quan tâm vì còn phần CPU đọc đĩa kết nối với màn hình TV, cùng với đó là các nhà phát triển game cũng chẳng mặn mà với cỗ máy này.
Có thể nói hai tựa game ấn tượng nhất bắt bạn phải mua Wii U chứ không phải bất kỳ hệ máy nào khác trên thị trường mới có thể chơi được chính là Bayonetta 2 và The Legend of Zelda: The Wind Waker HD. Mỗi hệ máy mới của Nintendo luôn có vài phiên bản The Legend of Zelda làm 'gà nhà' chống lưng. Thế nhưng riêng hệ máy này chỉ có nhõn một phiên bản remake của tựa game đã từng ra mắt trên GameCube 14 năm về trước.
Thế nhưng khi Breath of the Wild ra mắt vào năm sau, nó sẽ có phiên bản trên Switch chứ không còn độc quyền cho Wii U nữa. Ở thời điểm hiện tại, bản thân tôi cũng phải nghĩ lại, Project Cafe, tên mã khi Nintendo phát triển Wii U không phải là một phiên bản nâng cấp của Wii. Nó giống một phép thử tốn kém, đầy tai tiếng để tạo ra Switch, chiếc máy mà chỉ vài tháng trước còn được biết đến với cái tên Nintendo NX.
Sự thiếu hụt về tính đa dạng trong các nhà phát triển đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới Nintendo, và đã biến Wii U trở thành thứ yếu với người chơi, khi họ sẽ dành phần lớn thời gian cho PC, Xbox hoặc Playstation, và chỉ thỉnh thoảng mở Wii U lên để chơi bất kỳ game mới nào được Nintendo phát triển. Nhưng khó mà có ai sử dụng Wii U làm hệ thống chơi game chủ đạo của mình.
Bỏ qua những rắc rối trong việc điều khiển, cũng như những phiền toái khi một concept máy chơi game không được đầu tư một cách kỹ lưỡng, Wii U bị một căn bệnh trầm kha hành hạ, và căn bệnh này cũng đã giết chết quá nhiều tên tuổi lớn trên thị trường công nghệ như Microsoft với Windows Phone, Nokia với HĐH Symbian và cả BlackBerry vài năm về trước: Quá thiếu ứng dụng.
Không có game, không có ứng dụng thì một cỗ máy console chỉ là đồ bỏ đi. Ngay cả PS4 ở thời điểm hiện tại đủ khả năng xưng đế cả thế hệ máy chơi game khi đã bỏ quá xa Xbox One nhưng vẫn được Sony chăm chút tập trung đầu tư những game bom tấn, từ Daysgone cho đến Horizon và WiLD sắp ra mắt.
Và chính điều này đã đặt dấu chấm hết cho Wii U. Game thủ chọn những hệ máy họ có thể chơi cùng bạn bè, những hệ máy có nhiều game đỉnh mới ra mắt, chứ không phải một concept máy chơi game chưa được đầu tư đúng mức.
Nguồn : Gamesao