Với tư cách một trong những thương hiệu game bắn súng số một toàn cầu, dường như mọi dấu hiệu điều chỉ ra rằng BR đến với Call of Duty và gây dựng thành công vang dội chỉ là vấn đề thời gian. Và quả thật, phiên bản thử nghiệm của chế độ chơi Blackout đã để lại cho EXP.GG những ấn tượng đầy khởi sắc.
1. BLACKOUT = HỒN CALL OF DUTY + DA BATTLE ROYALE
Từ trước đến nay, Call of Duty luôn được biết đến với vòng lặp lối chơi “hồi sinh-chạy-bắn-hồi sinh” với quy mô nhỏ diễn ra nhanh một cách chóng mặt. Đó là lý do vì sao mà với đa phần người hâm mộ, phong cách chơi tính toán, chậm rãi và tưởng thưởng người chơi mưu mẹo của Battle Royale gần như trái khoáy hoàn toàn với bản chất cái tên Call of Duty.
Và đó cũng là quy luật BR đầu tiên mà nhà phát triển Treyarch đã “bẻ gãy” trong đấu trường sinh tử của họ: nhịp độ.
Con số 88 người chơi (sẽ tăng lên 100 trong phiên bản chính thức), quy mô bản đồ chỉ ở mức vừa, cộng với sự uyển chuyển trong cách thức di chuyển và đấu súng của nhân vật, khiến cho Blackout trở thành tựa game BR sở hữu nhịp độ nhanh nhất ở thời điểm hiện tại.
Với những khẩu súng rất dễ điều khiển với độ giật thấp (dẫu cho giờ đây trò chơi sở hữu đường đạn bị ảnh hưởng bởi trọng lực và tầm xa), thời gian hạ thủ kẻ địch được tăng lên đáng kể, kéo dài những cuộc đấu súng, cho người bị tấn công có cơ hội phản đòn.
Thế nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể chơi Blackout theo phong cách thường thấy trong các tựa game BR khác. Âm thanh, đặc biệt là tiếng bước chân, tiếng nhặt vật phẩm và âm thanh của phương tiện cơ giới, vẫn là “vũ khí” số một; tận dụng môi trường linh hoạt để đánh úp kẻ thù, chọn vị trí giao chiến thông minh, nhận biết tình huống để xác định có nên kéo cò hay không… khiến cho mỗi mạng quý giá mà bạn lấy được vẫn sảng khoái như đúng tinh thần của BR – (đội của) bạn chỉ có hai lựa chọn: thắng làm vua, thua về vườn, không có chỗ cho bất kỳ vị trí nào khác.
2. NHỮNG “TỐ CHẤT” CỦA CALL OF DUTY
Kể từ khi ra mắt lần đầu trong Call of Duty 4: Modern Warfare, Perk đã trở thành một phần không thể thiếu trong cơ chế xây dựng nhân vật và phong cách chơi của dòng game này. Những khả năng phụ trợ đặc biệt này rất ít khi khiến cho người chơi mạnh mẽ một cách quá đáng (chúng ta không nên nói về Modern Warfare 2 về điểm này), nhưng tác động của chúng đủ để đẩy người chơi lên “cửa trên” trong từng tình huống thích hợp, đặc biệt nếu như bạn biết cách kiến tạo những tổ hợp Perk hài hòa với nhau.
Thế nhưng, chế độ BR không có chỗ cho cơ chế xây dựng nhân vật/trang bị trước khi tham gia trận đấu.
Vậy lời giải của Treyarch dành cho Perk trong Blackout là gì? Rất đơn giản: biến chúng thành các vật phẩm cho phép tiêu thụ với thời gian hiệu lực có hạn. Và không khó để nhận ra trong phiên bản thử nghiệm vừa rồi, Perk đã chứng minh hiệu quả đầy đắc lực của mình bằng những khả năng đặc biệt hỗ trợ hoặc cứu thua người chơi trông thấy.
Khi nói về Treyarch thì không thể thiếu Zombies – chế độ chơi cộng tác đối đầu lũ lượt xác sống xuất hiện trong toàn bộ loạt game Black Ops và World at War, với độ phức tạp tăng cao qua từng phiên bản, cũng như sở hữu cho mình một cộng đồng người hâm mộ đầy nhiệt huyết.
Trong Blackout, người chơi lại một lần nữa “tái ngộ” zombie tại hai khu vực cụ thể là nghĩa trang và bệnh viện tâm thần (Asylum). Với việc làm rơi trang bị và vũ khí cổ điển sau khi bị bắn hạ nhưng lại dễ dàng làm lộ vị trí người chơi, chúng trở thành nhân tố đầy thú vị khuấy đảo lối chơi tại hai khu vực này.
Cuối cùng, những thiết bị đặc biệt góp phần đa dạng hóa các cuộc giao tranh trong Blackout, tránh khỏi sự lặp lại từ lối chơi tìm và diệt thông thường.
Từ các trang bị rất đỗi quen thuộc như vô vàn loại lựu đạn gây sát thương và vô hiệu hóa kẻ thù, phụ kiện cho súng ống, rìu ném cho đến các “siêu năng lực” của các Specialist trong phần chơi Multiplayer như dây móc của Ruin, dây kẽm gai và khiên tỏa nhiệt của Torque hay mìn laser Mesh Mine của Nomad… tất cả biến chuyển lối chơi của Blackout và tưởng thưởng cho bất kỳ ai tận dụng tốt những sự hỗ trợ mà mình có trong tay.
3. TẤT CẢ VÌ MỘT NGƯỜI, MỘT NGƯỜI VÌ TẤT CẢ
Phần chơi mạng (Multiplayer) đã cho thấy được lối thiết kế dựa nhiều vào phong cách chơi tổ đội mà Treyarch muốn thúc đẩy trong Call of Duty: Black Ops 4, và nó tiếp tục đóng vai trò lớn trong Blackout.
Chơi theo đội sẽ giúp bạn tận dụng tối đa một số Perk như Squad Link (xác định vị trí đồng đội xuyên tường) hay Medic (dựng đồng đội dậy nhanh hơn), và hẳn nhiên, các loại phương tiện cơ giới đều đủ chỗ cho tổ đội 4 người cùng “hành hiệp” trên con đường tới “vòng tròn sinh tử” cuối cùng.
4. “THIÊN ĐÀNG” CHO DÂN “MỌT” BLACK OPS
Với tư cách là một “người hâm mộ khá bự” của nhánh game Black Ops, thật sự khó có từ ngữ nào có thể diễn tả được sự hứng khởi của người viết khi tham quan những địa điểm phủ rộng quy mô của màn chơi Blackout.
Những địa điểm lớn với tên gọi được đánh dấu thẳng trên bản đồ cũng là các màn chơi đã tạo nên tên tuổi của các tựa game Call of Duty thuộc Blackout – từ một Nuketown giờ đây bị cô lập trên một hòn đảo nhỏ với những gì còn sót lại sau khi hứng chịu vụ nổ hạt nhân, những cối quạt gió của Turbine mọc giữa vùng Yemen phủ đầy cát bụi, cho đến trường bắn Firing Range và cảng hàng hải Singapore tại Cargo gần như vẫn nguyên vẹn.
Đó là chưa kể đến những màn chơi kiến tạo nên các địa điểm còn lại, như khu dinh thự Stronghold trong Black Ops 3 nằm cách Raid không xa, hay khu chuồng lớn trong Fringe nằm lấp ló gần khu Rivertown.
Có thể thấy rõ rằng Treyarch đã không thất hứa khi họ cho biết Blackout sẽ trở thành “chuyến hành trình hoài niệm” dành cho chính những người hâm mộ.
Nguồn : https://exp.gg/vn/4-an-tuong-black-ops-4-blackout/