Nếu không có những sơ suất để lộ sự thật cùng sự tinh ý của một nữ phóng viên đến từ BBC thì có lẽ, anh chàng nhiếp ảnh gia chiến trường dởm Eduardo Martins sẽ tiếp tục lừa dối cả thế giới với sự nghiệp thăng hoa như diều gặp gió. Nhiều ý kiến nhận định trường hợp của Martin là một trong những cú lừa khủng khiếp nhất trong lịch sử nhiếp ảnh thế giới và nghiêm trọng hơn, anh còn lừa tình cả 6 người phụ nữ trẻ đẹp qua mạng xã hội để lợi dụng - một điều không thể chấp nhận được!
Chân dung nhiếp ảnh gia chiến trường dởm Martins
Có lẽ hiện tại và trong cả tương lai, bạn sẽ không bao giờ được xem thêm bất cứ bức ảnh mới nào của nhiếp ảnh gia dởm này nữa bởi người ta cho rằng anh đang trốn tránh ở những vùng hẻo lánh nào đó trên nước Úc sau khi sự thật bị vạch trần.
Trước đây, người ta biết tới Martins như một nhiếp ảnh gia phóng sự 32 tuổi gốc Brazil với vẻ mặt điển trai, thuở nhỏ từng chiến đấu với căn bệnh bạch cầu quái ác. Khi lớn lên, anh này còn từng có thời gian làm việc cho Liên Hiệp Quốc, được đi tới những vùng chiến sự đầy bom đạn và cái chết và từ đó cho anh cơ hội được chụp lại những bức ảnh chiến trường.
Các bức ảnh này được anh đăng tải lên Instagram, gây được sự chú ý của rất nhiều người, mang về cho anh gần 120 ngàn lượt follow, đồng thời nhiều bức ảnh do anh đăng lên được các báo lớn nhỏ, bao gồm cả The Wall Street Journal, Le Monde và The Telegraph lấy để minh họa cho các bài viết. Thậm chí hồi năm 2016, người ta còn làm hẳn một bài phỏng vấn về công việc của anh này. Các biên tập viên tại Brazil của VICE cũng làm hẳn bài phóng sự về công việc của Martins và tới đầu tháng 7 vừa qua, BBC Brazil cũng tìm hiểu về anh.
Bài phỏng vấn Martin được đăng tải trước đây về sự nghiệp của anh
Và lúc này, một số sai lầm của Martins đã bị phóng viên Natasha Ribeiro từ BBC tinh ý phát hiện ra. Từ đó, cả cuộc đời lẫn sự nghiệp nhiếp ảnh dối trá mà Martins dựng nên bấy lâu nay đã bị bóc mẽ. Khi đào sâu tìm hiểu về Martins, Ribeiro nhận thấy ra một sự thật rằng cô không tìm được bất cứ người nào từng gặp Martins. Không hề có một nhà báo Brazil nào làm việc tại Iraq gặp Martins. Và cũng không có cơ quan chức năng nào từng làm việc với Martins. Thậm chí, không có một nhân viên của tổ chức phi chính phủ nào cho biết đã liên hệ với anh này, trong khi xưa giờ anh luôn bảo rằng đã làm việc cho nhiều tổ chức.
BBC Brazil đã liên hệ với Martins qua WhatsApp và anh ta cho biết rằng đang làm việc cho Liên hiệp quốc: “Tôi là một tình nguyện viên nhân đạo của Liên hiệp quốc và làm việc cho các trại tị nạn.” Tuy nhiên qua điều tra, người ta không tìm thấy bất kỳ hồ sơ nào của Martins về việc anh làm cho trại tị nạn Liên hiệp quốc. Người phụ trách báo chí của Liên hiệp quốc là Adrian Edwards đã lên tiếng xác nhận kết quả điều tra này.
Càng điều tra kỹ, BBC Brazil còn nhận thấy nhiều điểm kỳ dị của Martins. Qua điều tra, người ta phát hiện rằng Martins đã xây dựng mối quan hệ với ít nhất là 6 người phụ nữ trẻ, đẹp và thành công qua mạng xã hội, từ đó lợi dụng họ để chuyển tiếp thông tin ăn cắp cho các nhà báo khác. BBC phát hiện rằng ngoài đời thật, Martins không hề gặp bất cứ người bạn gái nào.
Những bức ảnh mà Martins đã ăn cắp của nhiếp ảnh gia Daniel C. Britt, dùng các thủ đoạn crop, xoay lật để khó phát hiện hơn
Một triển lãm nổi tiếng tại São Paulo là DOC trước đây đã lên kế hoạch triển lãm một số hình ảnh chụp tại vùng chiến sự của Martins. Nhiếp ảnh gia kỳ cựu, đồng thời là một thành viên của Fernando Costa Netto khi đó đã liên lạc với Martins và được cho biết là đang ở Iraq. Tuy nhiên, bây giờ thì Martins đã biến mất hơn một tuần. Betto nói với BBC rằng: “Tôi đã lên kế hoạch triển lãm ảnh của nhiếp ảnh gia Brazil này về các vùng chiến sự và đã liên lạc với anh ấy. Tuy nhiên anh ta đã biến mất hơn 1 tuần. Tôi nghĩ rằng anh áy đã bị IS bắt cóc nên có liên lạc với các đồng nghiệp Brazil tại Iraq. Khi chúng tôi bắt đầu tìm kiếm thì anh ấy xuất hiện lại và nói rằng đang gặp vấn đề nhỏ với kết nối internet.”
Sau khi biết được những phát hiện của BBC cũng như các điều tra sau đó, Netto yêu cầu Martins cung cấp bằng chứng về tính xác thực của các bức ảnh cũng như công việc của anh. Martins ngay lập tức xóa tài khoản Instagram và gởi tin nhắn WhatsApp lần cuối trước khi vô hiệu hóa số điện thoại luôn. Trong tin nhắn, Martins nói rằng: “Tôi đang ở Úc, tôi quyết định dành 1 năm để lái van khắp thế giới. Tôi sẽ ngắt liên lạc, mọi thứ, bao gồm cả internet và cả tài khoản Instagram. Cám ơn. Tôi sẽ xóa ứng dụng luôn. Chúa ở cùng bạn.”
Một bức ảnh được Martins ăn cắp và bán trên GettyImage
Nếu chỉ dừng lại ở đây thì có lẽ danh tính của người từng được cho là nhiếp ảnh gia chiến trường nổi tiếng nhất thế giới sẽ không bao giờ được phát hiện. May mắn là mấy anh bên BBC Brazil vẫn không chịu từ bỏ, tiếp tục điều tra và công bố kết luận cuối cùng. Kết quả là những tin tức, hình ảnh do nhiếp ảnh gia lừa đảo này đã cung cấp trước đây đã bị gỡ xuống. BBC cho biết: “Đối mặt với những nghi ngờ và nguy cơ vi phạm bản quyền, những nội dung sự thật cần phải được công bố rộng rãi. Chúng tôi xin lỗi độc giả về sai lầm này. Vụ việc lần này sẽ giúp chúng tôi tăng cường các thủ tục xác minh nghiêm ngặt hơn.'
Trong quá trình điều tra, người ta phát hiện rằng Martins đã đánh cắp các bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Mỹ Daniel C. Britt, ít nhất là vậy. Martins không chỉ ăn cắp ảnh để đăng là do mình chụp mà còn xoay lật các bức ảnh để khó tìm kiếm ảnh gốc hơn. Một trong các thủ đoạn khác để thêu dệt nên sự nghiệp của anh ấy chính là sử dụng những bài báo từng được đăng trước đó để tăng cường độ tin cậy cho các “tác phẩm mới”. Thí dụ như khi gởi ảnh hoặc tin bài, Martin gởi kèm theo các ấn bản trước đó của anh từng được đăng trên các tờ báo lớn như Wall Street Journal, kèm theo các câu chuyện để việc xét duyệt được thuận lợi hơn.
Tham khảo Petapixel, BBC