Nếu bản án được thi hành, thời gian tới hứa hẹn sẽ vô cùng khó khăn đối với Samsung khi họ mất đi người lãnh đạo. Tuy nhiên đây cũng có thể xem là cơ hội để tái cấu trúc bộ máy điều hành của tập đoàn này, vốn đã chịu khá nhiều tai tiếng.
Trước mắt Samsung sẽ không bị khủng hoảng, nhưng sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh
Samsung hoạt động theo cơ cấu Chaebol, một dạng tập đoàn tài phiệt của Hàn Quốc, gồm khoảng 80 công ty con được điều hành bởi hội đồng quản trị và CEO riêng. Chính điều này giúp ngay cả khi không có người lãnh đạo cao nhất, khả năng tập đoàn Samsung rơi vào khủng hoảng quản lý là rất thấp. Các CEO quản lý công ty con của Samsung đều là những người có năng lực, và họ đều đã khẳng định được khả năng điều hành của mình trong nhiều năm qua. Chẳng hạn như Samsung Electronics hiện nay có đến 3 CEO, chia nhau quản lý 3 mảng là điện thoại – đồ điện gia dụng – bán dẫn.
Tuy vậy những CEO này đều được xem là người làm thuê, quyền lực thật sự của tập đoàn Samsung nằm ở gia tộc sáng lập: Lee. Những quyết định mang tính chiến lược như đầu tư vào lĩnh vực mới với nhiều rủi ro hoặc thu mua/sáp nhập với quy mô lớn đều phải được duyệt bởi gia tộc Lee. Với việc chủ tịch Lee Kun-Hee của Samsung vẫn chưa hồi phục sau cơn đau tim vào tháng 5/2014 còn người thừa kế của ông là Lee Jae-yong đối mặt với án tù, gia tộc Lee hiện nay không còn ai đủ quyền lực để quản lý tập đoàn Samsung nữa. Nếu không có sự thay đổi trong cơ chế điều hành, điều này cũng đồng nghĩa với việc trong thời gian tới Samsung sẽ không thể đưa ra những quyết định có tầm ảnh hưởng lớn.
Một trong những bất lợi lớn nhất chính là việc Samsung sẽ không thể tiếp tục thu mua/sáp nhập các công ty khác. Đây là chiến lược hiện nay rất được những ông lớn như Google hay Apple ưa chuộng bởi không chỉ chiêu mộ nhân tài cho công ty mà còn triệt luôn đối thủ cạnh tranh trong tương lai. Cuối năm ngoái Samsung cũng đã gây xôn xao khi mua lại đến 5 công ty, nổi bật nhất là thương vụ thâu tóm hãng thiết bị âm thanh Harman Kardon của Đức với giá lên đến 8 tỷ USD.
Việc vắng mặt Lee Jae-yong cũng ảnh hưởng đến quá trình tái cấu trúc lại tập đoàn. Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee được biết đến thông qua việc lãnh đạo công ty bằng cá tính mạnh mẽ của mình. Trong khi đó Lee Jae-yong được đánh giá cao nhờ áp dụng phong cách quản lý hiện đại vào bộ máy có phần già cỗi của tập đoàn này.
Cơ hội để tái cơ cấu và hoạt động một cách minh bạch hơn
Trên thực tế sau khi Lee Jae-yong bị bắt vào tháng 2, Samsung đã đạt được rất nhiều thành công. Điển hình là họ đã vượt mặt Apple để trở thành công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới, cũng như giành vị trí nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới từ tay Intel. Đây là kết quả từ chiến lược lâu dài hay là dấu hiệu cho thấy tập đoàn Samsung có thể hoạt động tốt mà không cần sự lãnh đạo của gia tộc Lee vẫn là dấu hỏi lớn. Tuy nhiên các nhà đầu tư nước ngoài, vốn nắm giữ một nửa cổ phần của Samsung Electronics, thì cho rằng đây là dấu hiệu tốt và đã đến lúc Samsung cần phải thay đổi.
Chaebol là dạng tập đoàn tài phiệt mang tính chất gia đình nên quyền lợi của người trong gia tộc luôn được đặt lên hàng đầu và luôn xử lý theo dạng nội bộ. Chính vì vậy đôi lúc nó ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà đầu tư, những người thậm chí còn không biết số tiền họ đầu tư vào được tập đoàn sử dụng ra sao. Đỉnh điểm của mâu thuẫn này là thương vụ sáp nhập 2 công ty con của tập đoàn Samsung là Cheil Industries và Samsung C&T vào năm 2015 và cũng chính là nguyên nhân khiến người thừa kế tập đoàn Samsung phải nhận án tù.
Được xem như là thương vụ mang tính củng cố quyền lực của gia tộc Lee, Cheil Industries đã sáp nhập với Samsung C&T thông qua việc mua lại toàn bộ cổ phần của công ty này với giá 7,7 tỷ USD. Công ty mới sau đó được đổi tên thành Samsung C&T. Bất chấp sự phản đối kịch liệt của những nhà đầu tư nước ngoài, nổi bật nhất là quỹ Elliott Associates vốn nắm 7,2% cổ phần của Samsung C&T, thương vụ này vẫn được thông qua nhờ sự hậu thuẫn của chính phủ Hàn Quốc. Và để có được sự hậu thuẫn này, Lee Jae-yong đã hối lộ 38 triệu USD cho cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và bạn của bà ta là Choi Soon-sil. Sự việc bị phanh phui dẫn đến Lee Jae-yong đối mặt với án tù 5 năm.
Theo Park Ju-gun, giám đốc của công ty quản lý doanh nghiệp CEOScore, sự kiện Lee Jae-yong bị kết án tù sẽ là lời cảnh báo về sự mập mờ trong quan hệ giữa chính phủ và các tập đoàn chaebol. Không chỉ Samsung, mà các tập đoàn chaebol khác cũng sẽ phải chịu áp lực của công chúng để trở nên minh bạch hơn trong hoạt động cũng như quyết định người thừa kế. Trong khi đó chính phủ cũng sẽ phải chấm dứt truyền thống đòi tiền từ doanh nghiệp để đổi lại những đặc quyền.
Một số thông tin về Lee Jae-yong
Lee Jae-yong sinh ngày 23/6/1968 tại Washington D.C, Mỹ. Ông là con cả, đồng thời là con trai duy nhất của Lee Kun-hee, đương kim chủ tịch tập đoàn Samsung. Lee Jae-yong là cử nhân ngành Đông Á Học tại đại học quốc gia Seoul (Hàn Quốc) và thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại Học Keio (Nhật Bản). Ông cũng từng có 5 năm học tiến sĩ quản trị kinh doanh tại đại học Harvard nhưng không tốt nghiệp.
Lee Jae-yong bắt đầu làm việc cho Samsung từ 1991, với vị trí Phó Chủ Tịch kế hoạch chiến lược. Năm 2009 ông trở thành phó giám đốc điều hành Samsung Electronics và phó chủ tịch Samsung vào năm 2012. Tháng 10/2016, Lee Jae-yong chính thức tham gia vào hội đồng quản trị của Samsung.
Giá trị của Lee Jae-yong được ước tính vào khoảng 7,9 tỷ USD (2015), giúp ông trở thành người giàu thứ 3 tại Hàn Quốc. Năm 2014, Lee Jae-yong xếp thứ 35 thế giới và thứ 1 tại Hàn Quốc trong danh sách những người quyền lực nhất của Forbes. Được truyền thông Hàn Quốc mệnh danh là 'thái tử của Samsung', Lee Jae-yong sẽ kế thừa tập đoàn Samsung từ tay cha ông là Lee Kun-hee, vốn là người giàu nhất Hàn Quốc hiện nay với tổng tài sản ước tính khoảng 14,8 tỷ USD (2016).
Tham khảo The Investor, NewYorkTimes, Wikipedia