Trước thềm triển lãm Computex 2017 tại Đài Loan, hãng thiết kế chip ARM đã giới thiệu hai thế hệ nhân xử lý mới, là bản nâng cấp cho A73 và A53 hiện tại với tên gọi A75 và A55, cũng như nhân xử lý đồ họa Mali-G72. Những con chip này vẫn sẽ được tối ưu cho các tác vụ có liên quan tới AR, VR và năm nay sẽ thêm cả AI (trí thông minh nhân tạo), một xu hướng đang lên và sẽ tiếp diễn trong nhiều năm tới. ARM nói rằng nhân Cortex-A75 mới sẽ có hiệu năng ngang ngửa chip của MTXT trong khi vẫn rất hiệu quả về tiêu thụ điện năng.
Hãy bắt đầu với con chip mạnh nhất là Cortex-A75 được sinh ra để thay thế cho A73 đang là nhân xử lý mạnh nhất hiện nay. ARM cho biết A75 sẽ có hiệu năng xử lý mạnh hơn khoảng 22% so với A73, trong một bài benchmark Geekbench thì nó có hiệu năng ấn tượng hơn 34%. Hiệu năng xử lý đơn luồng (single-thread) của A75 vượt trội hơn 20% so với A73. Về điện năng tiêu thụ, A75 vẫn giữ cùng mức điện năng tiêu thụ so với A73, tức là chúng ta vẫn có một nhân xử lý mạnh hơn nhưng tiêu thụ điện không nhiều hơn.
Với A75, ARM muốn đưa nó lên cả những thiết bị với màn hình lớn, chứ không chỉ đơn thuần là smartphone, đồng nghĩa rằng A75 cũng được thiết kế để cho ra hiệu năng cao hơn ở mức công suất điện lớn hơn. Hầu hết những nhân xử lý trên di động sẽ có mức công suất điện 750mW/nhân nhưng trên A75 thì các nhà sản xuất CPU có thể tùy biến lên tới 2W/nhân để tăng 30% về hiệu năng. Ở mức điện năng tiêu thụ là 1W/nhân thì A75 sẽ cho hiệu năng cao hơn 25%. Điều này rất có ý nghĩa với ARM, đặc biệt khi họ muốn mở rộng thị trường ra những thiết bị có màn hình lớn hơn, cụ thể là Windows on ARM sẽ được Microsoft nói chi tiết trong tuần này.
Thấp hơn A75 là A55, nhân xử lý tầm trung sẽ thay thế cho A53 vốn đã có khoảng 1,7 tỉ đơn vị được tiêu thụ trong vài năm trở lại đây. Trong hầu hết mọi trường hợp, A55 cho hiệu năng tốt hơn từ 10-30% so với thế hệ trước, khả năng tiêu thụ điện được cải thiện 15% và hiệu năng luồng đơn cải thiện 18%.
Cả Cortex-A75 và Cortex-A55 sẽ đều hỗ trợ nền tảng mới Dynamiq từ ARM. Nói cho dễ hiểu thì Dynamiq là công nghệ sẽ cho phép các nhà sản xuất chip như Qualcomm hay Samsung có thể tùy biến, xây dựng linh hoạt hơn trong kiến trúc big.LITTLE của ARM. Với kiến trúc big.LITTLE hiện tại, các nhà sản xuất chỉ được phép kết hợp cùng số nhân xử lý cho nhân hiệu năng cao (thường là A7x) và nhân tối ưu điện năng (thường là A5x), ví dụ 4 nhân A73 và 4 nhân A53 để thành chip 8 nhân theo kiến trúc big.LITTLE. Nhưng với Dynamiq thì nhà sản xuất bây giờ có thể tùy ý sắp đặt số nhân họ muốn, ví dụ như 7 nhân A55 cộng với 1 nhân A75 để tạo nên một CPU 8 nhân. Khi này con chip sẽ tối ưu cho điện năng tiêu thụ, pin được lâu hơn nhưng vẫn có hiệu năng luồng đơn khá tốt.
Cuối cùng là nhân đồ họa mới Mali-G72. Nhân đồ họa này hứa hẹn đem tới khả năng tiêu thụ điện tiết kiệm hơn 25% và 20% cải thiện về hiệu năng. ARM cũng sẽ tối ưu Mali-G72 này cho machine-learning với 17% tốt hơn so với G71 trong các bài benchmark.
ARM đã cung cấp thiết kế của A75 và A55 cho các nhà sản xuất từ cuối 2016. Theo đúng lịch trình thì các nhà sản xuất đầu tiên sẽ giới thiệu chip xử lý với những nhân mới này vào đầu 2018, ví dụ như thế hệ kế tiếp của Snapdragon 835. ARM cũng mong muốn các nhà sản xuất đẩy nhanh tốc độ cho ra mắt chip mới dùng nhân mới của họ với thuật ngữ 'tốc độ Trung Quốc'. Thuật ngữ này chỉ viêc các nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc thường ứng dụng những cái mới và cho ra mắt rất nhanh, như chiếc Mate 9 dùng Mali-G71 được tung ra chỉ 8 tháng sau khi ARM phân phối nhân này.
Nguồn: AnandTech, The Verge, Engadget