Đây là bài viết đầu tiên của chuỗi phỏng vấn diễn ra tại trụ sở chính của Canon tại Tokyo, Nhật Bản.
Canon vừa ra mắt EOS R – chiếc máy ảnh mirrorless full frame đầu tiên của hãng vào đầu tháng 9. Máy ảnh được giới thiệu với ngàm RF mới, đồng thời hãng cũng cho ra mắt bốn ống kính RF và bốn ngàm chuyển.
EOS R đại diện cho sự khởi đầu mới của Canon. Nhưng dĩ nhiên là không có một sản phẩm mới nào ra mắt mà thiếu đi những tranh cãi xoay quanh. Không như các đối thủ như Nikon Z hay Sony Alpha, Canon EOS R không có tính năng ổn định hình ảnh trong máy ảnh (In-Body Image Stabilization; IBIS). Máy cũng quay video 4K nhưng với mức crop 1.7x.
Tôi đã đến trụ sợ chính của Canon ở Shimomaruko, Nhật Bản, để trò chuyện với ban giám đốc điều hành về chiếc máy ảnh EOS R và hỏi họ cụ thể hơn về vấn đề thiếu IBIS và video 4K bị crop. Ấn tượng của tôi là Canon nhận thức rất rõ phản ứng của mọi người về hai vấn đề này, nhưng họ cũng đã đưa ra những quyết định đúng đắn nhất có thể trong giới hạn của mình.
Chú ý: Shoji Kaihara và Tetsushi Hibi đều là Tổng Giám đốc Điều hành Cấp cao từ Trung tâm Phát triển Sản phẩm ICB, ICBO. ICB là viết tắt của ‘Imaging Communications Business,’ và ICBO là viết tắt của ‘Imaging Communications Business Optical.’ Bài phỏng vấn đã được hiệu chỉnh để rõ ràng hơn.
Tại sao không có ổn định hình ảnh trong máy ảnh (IBIS) trong máy ảnh EOS R?
Shoji Kaihara: Chúng tôi phải cân nhắc sự cân bằng của toàn bộ chiếc máy ảnh, như là kích thước hay các vấn đề khác. Bởi vậy, đấy (IBIS) không phải thứ chúng tôi có thể cho vào EOS R ở thời điểm này. Chúng tôi cũng nhận thức khá rõ các mặt lợi và hại của việc đó.
Đấy là lý do vì sao chúng tôi trang bị ổn định hình ảnh vào trong ống kính. Chúng tôi tin là hiện tại ống kính sẽ đảm đương được khả năng ổn định. Còn về khả năng trong tương lai, chúng tôi cũng đang suy nghĩ làm thế nào để có thể trang bị IBIS vào trong thân máy ảnh.
Tuy nhiên, ở thời điểm ra mắt EOS R, chúng tôi chưa thể đạt được điều đó. Chúng tôi biết rõ ưu điểm của IBIS, do đó chúng tôi sẽ xem xét. Nhưng hiện tại thì chưa được.
Tại sao EOS R quay phim 4K với mức crop 1.7x?
Shoji Kaihara: Trong quá trình phát triển EOS R, chúng tôi xem xét mọi loại phần cứng mà chúng tôi đã hoạch định. Khi chúng tôi xem xét đến bộ xử lý hình ảnh và các cảm biến CMOS — không may mắn là chúng tôi đã vấp phải một số hạn chếvà đấy là lý do xuất hiện mức crop 1.7x.
Đáng lẽ ra chúng tôi đã có thể cố gắng đạt full-frame (ghi hình video 4K), nhưng việc đó lại khiến khả năng quay phim gặp thêm nhiều bất ổn. Ví dụ như nhiệt độ máy ảnh có thể tăng cao hơn. Vậy nên chúng tôi đã quyết định, dựa trên độ cân bằng lý tưởng nhất mà chúng tôi đạt được ở thời điểm này, là xuất hiện với 4K crop 1.7x.
Tại sao lại thêm tính năng mới như thanh cảm ứng đa nhiệm M-Fn mà bỏ đi các tính năng quen thuộc như joystick AF và bánh xe điều khiển?
Shoji Kaihara: Tuy các chức năng đang có rất phổ biến, nhưng nếu chúng tôi bổ sung các chức năng khác thì sẽ làm giảm khả năng hoạt động của máy ảnh. Đây là lý do vì sao một số tính năng không xuất hiện trên máy ảnh EOS R.
Mặc dù vậy khi nhìn vào giá thành của EOS R, bạn có thể thấy được hướng đi của máy. Nó nằm giữa chiếc 5D và 6D. Đó là thị trường mà chúng tôi đang nhắm đến, những người dùng thuộc thị trường đó là những người khiến chúng tôi quan tâm. Và khi suy nghĩ về những người dùng này, chúng tôi nghĩ đây là sự cân bằng hợp lý.
Không phải là chúng tôi hoàn toàn ngưng trang bị các chức năng kia. Chúng tôi sẽ mở rộng dòng sản phẩm của mình nếu bạn muốn. Nói cách khác thì các chức năng kia vẫn còn nguyên vẹn. Nếu chúng tôi có dự định phát triển một dòng chuyên nghiệp hơn, thì cũng sẽ có những chức năng khác phù hợp nhất dành cho thị trường (mà nó nhắm đến) đó. Đây là về khả năng hoạt động tốt nhất cho mỗi dòng máy ảnh.
Hãy chờ đón những sản phẩm mới phát triển sắp tới. Sẽ là một cuộc tiến hóa đấy.
Mất bao lâu để phát triển được EOS R?
Shoji Kaihara: Chiếc máy ảnh mirrorless này đã được thảo luận khá lâu trong nội bộ Canon. Quan trọng là đạt được trình độ sản xuất máy ảnh mirrorless sẽ khiến Canon cảm thấy tự hào.
Ví dụ, chúng tôi muốn đạt được trình độ sản xuất kính ngắm điện tử phù hợp. Tương tự với hệ thống Dual Pixel CMOS chẳng hạn. Thì lại một lần nữa, vấn đề nằm ở chỗ đảm bảo chúng tôi có thể tự tin với những gì mình đặt vào thị trường.
Khó nói được là chúng tôi mất bao lâu để phát triển nên máy ảnh EOS R bởi tất cả những công nghệ này đều được phát triển khá lâu. Nhưng chúng đã kết hợp lại, và rồi chúng tôi tự tin đặt chúng vào trong EOS R.
Những thách thức lớn nhất mà nhóm phải đối mặt khi phát triển máy ảnh EOS R?
Tetsushi Hibi: (Câu trả lời) phụ thuộc vào kích thước ngàm. Khi bạn chọn máy ảnh mirrorless, một số giới hạn sẽ được xóa nhòa. Điều đó đồng nghĩa là chúng tôi có thể tối ưu được hiệu suất quang học.
Chúng tôi muốn chỉnh back-focus (khoảng cách flange-back) ngắn nhất có thể, còn các ống kính thì càng lớn càng tốt. Thế nhưng như vậy thì ngàm cũng sẽ phải lớn hơn. Nếu ngàm trở nên lớn hơn thì phần grip sẽ bị trồi ra, đồng nghĩa là máy ảnh cũng to ra. Tuy nhiên, khi chúng tôi xem xét trong thị trường, các kích thước máy ảnh lại đều nhỏ hơn thế.
Do đó mới có một thông lệ (thảo luận) thế này: Kích thước ngàm nào sẽ cho phép chúng tôi đạt được thiết kế quang học và hiệu suất của máy ảnh tốt nhất? Những thảo luận như vậy giúp đảm bảo chúng tôi đạt được mục đích chính xác.
Khi ống kính EF ra mắt 31 năm trước vào năm 1987, chúng tôi chuyển FD thành ngàm điện tử. Lúc đó chúng tôi đã suy nghĩ trước đến cả vài thập kỷ. Chúng tôi phải chắc chắn là những công nghệ này có thể trang bị trên ngàm EF.
Lúc chúng tôi thảo luận về EOS R, chúng tôi cũng nghĩ trước từ 10 đến 20 năm. Công nghệ mới nào sẽ xuất hiện? Kích thước ngàm này có ứng dụng được công nghệ đó không? Có thể nhận công nghệ đó không? Có làm việc được với công nghệ đó không?
Dựa trên tất cả những cuộc thảo luận này thì kích thước ngàm chính là thách thức lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt.
Nguồn: Hardware Zone