Mã hoá dữ liệu smartphone là gì?
Theo mình tìm hiểu, mã hoá dữ liệu smartphone (gọi tắt là mã hóa smartphone) là phương pháp chuyển tất cả dữ liệu người dùng sang một dạng dữ liệu mới mà khi đó cả con người, thậm chí là hacker hay máy móc cũng không thể đọc và hiểu được (trừ thiết bị đã thực hiện mã hoá).
Bằng cách sử dụng các thuật toán lồng vào nhau, các dữ liệu được mã hoá sẽ được lưu an toàn vào database. Và chúng chỉ có thể truy xuất được khi người dùng nhập đúng mật khẩu decode (giải mã) đã chọn trước đó.
Được biết hiện tại, cả Apple và Google đều đã trang bị tính năng mã hoá này cho hệ sinh thái iOS và Android. Song đối với các thiết bị chạy 'robot xanh' thì chỉ có dòng Nexus cùng các máy cao cấp, ra mắt năm 2016 như bộ đôi Galaxy S7 của Samsung là được mã hoá ngay từ đầu.
Còn những thiết bị có tuổi, dùng Android cũ hơn 6.0 Marshmallow thì bạn cần phải mã hoá thủ công. Hãy truy cập mục Mã hoá nằm ở tab Bảo mật trong Cài đặt để tìm hiểu thêm!
Riêng các bạn dùng iPhone/iPad, nếu chúng đang chạy iOS 8 trở lên, bạn cũng có thể kích hoạt mã hoá bằng các tìm đến Touch ID & Mật khẩu hoặc Passcode (đối với các thiết bị không có cảm biến vân tay). Sau đó bấm vào Bật mật khẩu rồi làm theo hướng dẫn!
Tại sao cần phải thực hiện mã hoá?
Với trường hợp của Android, mã hoá là một chuyện RẤT NÊN làm nếu thiết bị bạn đang dùng có chứa nhiều dữ liệu nhạy cảm hoặc cơ mật (giả như bí mật kinh doanh chẳng hạn). Bởi vì, đây là một hệ sinh thái vốn rất mở Google nên chuyện hacker có thể dễ dàng đánh cấp dữ liệu là hoàn toàn có thể!
Chỉ cần bạn cài đặt ứng dụng ngoài luồng (không thuộc CH Play) mà không để ý đến các quyền yêu cầu truy cập thì nguy cơ dính bẫy khá cao.
Cụ thể, nếu cài một công cụ được quảng cáo là giúp máy chơi nhạc tuyệt hơn nhưng khi không nó lại đòi xem danh bạ, tin nhắn hoặc truy xuất album ảnh thì bạn nên cẩn thận!
Chuyên đề sâu hơn: Mã hoá điện thoại Android, tại sao và làm thế nào?
Khác với 'đội quân xanh' của Google, nền tảng iOS của Apple là hoàn toàn khép kín. Mọi thứ bạn cài vào máy, bao gồm nhạc, phim hay ứng dụng đều phải thông qua các công cụ chính chủ (trừ máy đã jailbreak). Và từ đó nhiều người tin rằng: iPhone/iPad là bất khả xâm phạm?
Tuy nhiên, câu trả lời ở đây là... 'hên xui', tức không chắc chắn hoàn toàn! Bởi nguy cơ bị hack sẽ ít nhiều liên quan đến đời iPhone và phiên bản thiết bị đang chạy.
Rõ hơn thì theo một cuộc điều tra từ ZDNet (được bgr.com dẫn lại), họ đã xác nhận rằng: Ngay bây giờ, các phần mềm đến từ Cellebrite đã đủ sức để lấy được toàn bộ thông tin từ một chiếc iPhone chưa được kích hoạt mã hoá!
Nếu chưa biết đến Cellebrite thì mình xin nhắc lại một xíu: Đây là công ty an ninh khá nổi tiếng của Israel, họ được biết đến như một ông trùm trong lĩnh vực hack smartphone, bao gồm sản phẩm Apple. Thực chất ngày trước, trong vụ lùm xùm với Táo khuyết, FBI cũng từng được cho là đã cậy nhờ Cellebrite nhưng (có thể) đã bị họ từ chối!
Quay lại vấn đề của chúng ta đang nói, đầu năm nay ở Mỹ đã có một vụ rò rỉ thông tin mật từ một hãng luật. Mà trong đó, cảnh sát đã dùng ứng dụng cùng tên, Cellebrite để điều tra (tất nhiên phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua). Từ đó, họ có thể thu thập tất cả mọi thứ trên iPhone người dùng (không mã hoá) chỉ trong vài giây.
Trong diễn biến liên quan, ZDNet cũng xác nhận thêm: Cellebrite có thể xâm nhập thiết bị rồi tạo ra một báo cáo chi tiết về tin nhắn, gọi điện thoại, thư thoại, hình ảnh, vị trí và các dữ liệu khác,... thậm chí ngay cả khi chúng đã bị xoá!
Vậy tựu lại, khi đã dùng smartphone trong thời buổi 'Thạch Sanh thì ít - Lý thông thì nhiều', bạn nên chuẩn bị cho mình một tâm thế 'luôn sẵn sàng chiến đấu'! Bởi biết đâu một ngày đẹp trời nào đó, tin tặc sẽ ghé thăm dế yêu của bạn và cuỗm sạch dữ liệu rồi tống tiền!?
Không biết đã bao giờ bạn nghĩ mình sẽ gặp tình huống đó chưa?
Mẹo hay trao tay: 7 cách bảo vệ thông tin cá nhân trên iPhone an toàn không phải ai cũng biết
Biên tập bởi Tech Funny