Một Sony không ngừng sáng tạo, HTC luôn luôn đột phá hay LG biết cách tạo ra khác biệt,... tất cả sẽ hoàn toàn đúng nếu như chúng ta không được chứng kiến sự tồn tại của Apple, Samsung. Và quan trọng nhất là bản thân Sony, HTC, LG không mắc phải những sai lầm mang tính chí mạng.
Trong thực tế, trên 'sàn đấu' công nghệ, nơi mà các hãng sản xuất smartphone đang tranh giành nhau quyết liệt “miếng bánh” mang tên ‘’thị phần’’. Việc bất kì một công ty hay tập đoàn nào mắc phải một sai lầm dù chỉ là nhỏ nhất thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc tự tay họ đã đào thải mình khỏi nghành công nghiệp sản xuất smartphone thế giới.
Và bây giờ, chúng ta hãy cùng nhìn lại Sony, một hãng từng được xem là đối thủ lớn nhất của Samsung và Apple cho đến khi họ mắc phải những sai lầm không đáng có.
Sony và sự 'bế tắc' trong khâu thiết kế
Tại sự kiện MWC 2017 vừa rồi, chắc hẳn đã có rất nhiều người trong số chúng ta đã vô cùng ấn tượng khi được chứng kiến sự ra mắt của 'binh đoàn' Sony gồm Xperia XZ Premium, XZs, XA1 và XA1 Ultra.
Khoan bàn tới thông số cấu hình, chỉ xét trên kiểu dáng thiết kế của những sản phẩm trên thì tất cả mọi người đều phải công nhận rằng đấy đúng là những smartphone có thiết kế công nghiệp trên cả tuyệt vời.
Nhưng điều mà mọi người ít ai biết ở đây là thực chất ngoại hình các sản phẩm trên chính chỉ toàn những điểm nâng cấp nhẹ từ ngôn ngữ thiết kế kinh điển Omni Balance từ thời của Xperia Z.
Sẽ không quá khi nói rằng Sony Xperia Z là tiền đề cho mọi biến động từ hãng công nghệ đến từ xứ sở mặt trời mọc. Ngày 9/2/2013, chiếc smartphone này đã nhanh chóng chiếm lấy vị trí trang nhất của tất cả các trang thông tin công nghệ lúc bấy giờ.
Thiết kế cực kì xuất sắc, cấu hình rất mạnh, camera trên cả tuyệt vời,... và còn rất nhiều lời tán tụng khác nữa đã được dành cho Xperia Z. Bằng chứng cho sự thành công của Sony với mẫu smartphone này chính là việc hãng đã bán được đến 150 ngàn máy trong tuần đầu tiên tại quê nhà Nhật Bản.
Nhưng với lối suy nghĩ: “If it ain't broke, don't fix it” (nếu nó không không hỏng, đừng sửa nó) đã khiến cho Sony chịu phải những tổn thất vô cùng nặng nề. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như liên tiếp các flagship tiếp theo của Sony như Xperia Z1 cho tới Z4 được 'khoác lên mình' những kiểu thiết kế mới. Đổi lại, chúng vẫn được áp dụng nguyên lí thiết kế Omni Balance đã dần trở nên quen thuộc.
Người dùng thực sự đã phát ngấy khi chứng kiến những sản phẩm có giá trị lên tới hàng chục triệu đồng nhưng ngoại hình lại trông na ná nhau.
Tưởng như việc lặp lại trong khâu thiết kế đã là một thảm hoạ nặng nề nhất của Sony, nhưng không, cái tên Sony Xperia Z4 mới là 'kẻ tội đồ' mang phải đến cho họ không chỉ là sự sụt giảm về doanh thu mà còn là dấu hỏi lớn về danh tiếng và giá trị thương hiệu.
Sony Xperia Z4 (Z3+): Giọt nước tràn ly
Chiếc smartphone này được ra mắt trong năm 2015 với hi vọng sẽ cứu vớt được tình trạng doanh thu bán hàng bết bát của các thế hệ đàn anh. Nhưng dường như mọi kì vọng của họ đã bị đổ sông đổ bể.
Mặc cho những lời đồn đoán về sự cố quá tải nhiệt của chip Snapdragon 810, Sony vẫn phó thác số phận của mình cho Qualcomm bằng việc hãng vẫn trang bị cho 'át chủ bài' của mình con chip tai tiếng Snapdragon 810.
Hậu quả là một lần nữa Sony lại được xướng danh trên trang nhất của những bài báo, nhưng lần này trái ngược với lần trước, những lời khen bỗng được thay thế bằng những sự chê bai, thất vọng.
Trong quá trình sử dụng, nhiệt độ của Xperia Z4 tăng lên một cách chóng mặt và hiệu năng của máy cũng vì thế mà giảm đi rất nhiều. Sony Xperia Z4 mang trong mình rất nhiều cái “cao” như nhiệt độ, giá tiền song hành cùng nhiều cái “thấp” như hiệu năng và doanh thu.
Đối với những chiếc smartphone được xưng danh flagship và được đề xuất với mức giá cả chục triệu đồng thì bất kì mọi sai lầm nào đều hoàn toàn không thể được chấp nhận.
Hơn nữa Sony lại là một tập đoàn công nghệ đến từ Nhật Bản – một đất nước vô cùng đề cao sự cẩn thận, tỉ mỉ và chất lượng trong mọi sản phẩm. Việc họ mắc phải “scandal” lần này đã tạo ra một ấn tượng không mấy tốt đẹp trong lòng người tiêu dùng và làm xấu đi phần nào hình ảnh đại diện không chỉ của Sony nói riêng còn là của cả nền công nghiệp sản xuất smartphone của Nhật Bản nói chung.
Chiến lược rút ngắn chu kì ra mắt sản phẩm cao cấp - Đúng hay sai?
Sau khi công bố Xperia Z2, khi trao đổi với giới truyền thông Nhật Bản, Giám đốc sáng tạo mảng thiết bị di động, ông Kurozumi Yoshiro của Sony đã tuyên bố chiến lược kinh doanh mới của hãng và điều đáng nói nhất là Sony đã đưa ra một quyết định đầy táo bạo khi đã rút ngắn chu kì giới thiệu flagship mới của hãng từ 12 tháng xuống còn... 6 tháng!
Nâng cấp là việc tất yếu trong lĩnh vực công nghệ cao đặc biệt là đối với smartphone. Nhưng những gì mà Sony làm lại khiến cho nhiều người thất vọng khi những sự cải tiến về phần cứng, thiết kế dường như là quá ít trong khi giá bán lại được đội lên quá nhiều, qua đó khiến cho nhiều fan trung thành của Sony cũng phải lắc đầu ngán ngẩm.
Thêm nữa, hành động cho ra mắt 2 mẫu smartphone cao cấp trong một năm tạo ra một tâm lí không lấy làm thoải mái trong suy nghĩ của những chủ sở hữu các sản phẩm đến từ Sony. Sẽ chẳng có ai muốn mua một chiếc điện thoại được quảng cáo là cao cấp nhất nhưng chỉ sáu tháng sau lại là “đồ cũ” cả.
Việc thay đổi chiến lược kinh doanh nhưng không thăm dò ý kiến khách hàng đã khiến Sony phải nhận lấy những thành quả không mấy làm tốt đẹp, bằng chứng là theo báo cáo tài chính mà hãng công bố, Sony kết thúc quý 3 năm tài chính của mình (vào 31/12/2016, tương đương Quý 4/2016) với 5.1 triệu smartphone Xperia bán ra, thấp hơn 2.5 triệu chiếc so với cùng kỳ năm ngoái. Đúng là một năm đầy kinh hoàng của Sony !
Liệu có hay không sự trở lại của một huyền thoại?
Tại MWC 2017, siêu phẩm Sony Xperia XZ Premium đã được vinh dự nhận được danh hiệu 'Điện thoại thông minh mới tốt nhất'. Đó chính là một tín hiệu tốt cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ đến từ Sony. Nhưng liệu những bước tiến từ hãng có đủ lớn để đưa sản phẩm của mình có thể đối trọng trực tiếp với những smartphone của Samsung, Apple?
Câu hỏi đó có lẽ chỉ có Sony mới có thể trả lời được. Sự thành công của một sản phẩm công nghệ không chỉ được đánh giá trực tiếp thiết bị đó mà còn là sự nỗ lực, cố gắng trong công tác marketing, phân phối nguồn hàng,...
Những năm tháng hoàng kim khi xưa đã qua, cuộc chơi đầy khốc liệt của làng công nghệ thế giới không bao giờ chừa chỗ cho những kẻ chỉ biết ngủ quên trong chiến thắng, chặng đường phía trước còn dài và chúng ta hãy cùng chờ đón những bước đi tiếp theo của Sony – Gã khổng lồ đang choàng tỉnh giấc hay sẽ tiếp tục ngủ quên?
Nguyễn Nhật