Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Idemitsu Q8 đầu tiên tại Hà Nội
Idemitsu Q8 mở cửa hàng bán lẻ xăng dầu đầu tiên tại Hà Nội - dấu chấm quan trọng trên bản đồ xăng dầu Việt Nam
Theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam chưa mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài lập hệ thống bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, thông qua dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Idemitsu Q8 đã dành được quyền kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam.
Idemitsu Q8 với lợi thế đầu tiên là những kinh nghiệm có được từ thị trường Nhật Bản cùng với đó là 75% vốn đầu tư vào Lọc hóa dầu Nghi Sơn có nhiều khả năng sẽ thiết lập nên một hệ thống bán lẻ xăng dầu quy mô lớn tại thị trường Việt Nam.
Đương nhiên, xét về thời điểm trước mắt Idemitsu Q8 khó lòng có thể cạnh tranh với các ông lớn trong ngành xăng dầu Việt Nam như Petrolimex hay PVOil với hàng nghìn cửa hàng xăng dầu nằm ở những vị trí tốt nhất của cả nước.
Tuy nhiên, các ông lớn không thể không dè chừng Idemitsu Q8 bởi nền tảng công nghệ mà họ nắm giữ. Bằng chứng là, tại cửa hàng xăng dầu đầu tiên, Idemitsu đã áp dụng phần mềm quản lý tự động cho phép thanh toán bằng thẻ, cam kết quản lý được khối lượng nhiên liệu với độ chính xác lên đến 0,01 lít. Đây là tiền đề quan trọng và cũng là cách tiếp cận hoàn toàn mới của doanh nghiệp nước ngoài này với người tiêu dùng Việt Nam.
Cuộc cạnh tranh thực chất chưa thể diễn ra do cơ chế quản lý giá xăng dầu bằng giá cơ sở của Nhà nước
Hiện tại, giá bán của xăng dầu tại Việt Nam vẫn do Nhà nước quyết định giá cơ sở, các doanh nghiệp phải bán lẻ xăng dầu xoay quanh giá cơ sở mà không phải do thị trường quyết định.
Theo đúng quy luật của nền kinh tế thị trường, khi các bên tham gia vào cùng một thị trường sự cạnh tranh sẽ diễn ra và thông qua đó hình thành giá thị trường của hàng hóa đang được cạnh tranh. Ta có thể dễ dàng hình dung thông qua thị trường Viễn Thông Việt Nam. Sau khi Nhà nước gỡ bỏ cơ chế quản lý cũ và để cho các hãng như Vinaphone, Viettel, Mobile... tham gia cạnh tranh, giá cước đều do các doanh nghiệp tự quyết định.
Tuy nhiên, thị trường xăng dầu lại là một câu chuyện khác khi xăng dầu lại là mặt hàng nắm giữ vị trí chiến lược trong nền kinh tế Việt Nam. Việc chuyến đổi sang cơ chế thị trường tự do cạnh canh sẽ ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế quốc dân, hoặc có thể gây nên 'cú sốc' lớn đối với thị trường. Vì vậy, Nhà nước không thể hoàn toàn mở toang cánh cửa thị trường này trong 'một sớm một chiều'.
Hiện tại, việc doanh nghiệp xăng dầu Nhật Bản có thể thâu tóm thị trường xăng dầu Việt Nam vẫn là điều khó xảy ra.
Quỳnh Trang (Tuoitrethudo)
Ảnh: B.Ngọc