Đầu năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về 0%, thị trường Việt Nam hy vọng giá xe sẽ giảm. Phân khúc xe giá rẻ trở nên nóng hơn với nhiều thông tin về những mẫu mới nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia, gồm Toyota Wigo với thông tin giá bán khoảng từ 350 triệu đến 400 triệu đồng.
Có ý kiến cho rằng những doanh nghiệp nhập xe Indonesia đã khá khôn ngoan khi đã có chiến dịch truyền thông về giá rẻ và thương hiệu mạnh. Trong tình hình đó, người tiêu dùng Việt Nam nên biết thêm về các thông tin liên quan.Ví dụ, Toyota Wigo là mẫu xe hạng A (cỡ nhỏ) do Daihatsu thiết kế và Toyota tùy biến cho từng thị trường, nay đã đến Việt Nam. Toyota Wigo là tên gọi vốn được sử dụng cho thị trường Philippines.
Hình ảnh xe Wigo.
Còn ở Indonesia, xe này mang tên Toyota Agya, thực chất là biến thể cao hơn và nhiều trang bị hơn của chiếc Daihatsu Ayla. Vì Wigo/Agya/Ayla do Daihatsu (công ty con trực thuộc Toyota) chịu trách nhiệm thiết kế và sản xuất, nên nói mẫu xe này đại diện cho Daihatsu thâm nhập thị trường Việt Nam cũng không sai.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) phát biểu trên báo Dân Trí, ngày 24.7: “Việc giảm giá xe trong nước thời gian qua đã xuất hiện nhưng ở những loại xe ít được quan tâm và doanh thu thấp. Trong khi đó, nước ngoài họ đánh rất đúng tâm lý là giảm giá những dòng xe có doanh số tốt, nhiều người thích để đánh vào thị hiếu, truyền thông”.
Ông Long cũng nói thêm: “Tôi tin từ nay đến cuối năm, nếu xuất hiện cuộc giảm giá nào, đó sẽ là câu chuyện bắt đầu từ xe trong nước”.
Với lợi thế về nội địa hóa, giá rẻ và đặc biệt quy mô sản xuất lớn, các hãng xe từ Thái Lan và Indonesia có thể dễ dàng thâm nhập vào Việt Nam khi không còn thuế nhập khẩu. Trong đó, Thái Lan đã trở thành một trung tâm sản xuất ô tô của châu Á, và xe Thái Lan có chất lượng cao hơn xe Indonesia. Dù Indonesia cũng đang nỗ lực tối đa để đẩy mạnh xuất khẩu nhưng doanh số xuất khẩu của Indonesia vẫn còn kém xa so với Thái Lan, vì mới chỉ có Thái có thể xuất khẩu xe ra ngoài khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới, nếu như Thái Lan đã bắt đầu được thừa nhận, ít nhất tại khu vực châu Á, thì Indonesia chưa thực sự được nhắc đến tên.
Trước thực tế đó, cộng với mặt bằng giá và lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước trên thị trường Việt Nam hiện nay, dường như người có khả năng quyết định về giá và số lượng xe là các nhà sản xuất lắp ráp trong nước. Hiện nay, Mazda, Kia, Hyundai, hay Toyota đang đứng đầu doanh số bán các loại xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Trong số đó, đối với phân khúc cỡ nhỏ như hạng A, các thương hiệu Hàn Quốc có lợi thế hơn nhờ có thiết kế bắt mắt hơn cùng các trang thiết bị, công nghệ tương đối đầy đủ, nội thất và tiện nghi trung bình khá và giá bán phải chăng. Bên cạnh đó, một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến doanh số của các hãng chính là tâm lý sính ngoại của khách hàng. Chính tâm lý này khiến người tiêu dùng Việt thường đánh giá cao hàng nhập khẩu hơn hàng trong nước, nên họ có thể bỏ qua những yếu tố khác khi quyết định mua xe.
P.V
Nguồn: Dân Việt