Vẫn như mọi khi, Intel khởi đầu năm 2017 với vị thế dẫn đầu thị trường vi xử lý cho máy tính với lợi nhuận của quý đầu tiên đạt 14,8 tỉ USD, tăng từ 13,7 tỉ USD cùng kỳ năm 2016. Sự thống trị của Intel trên thị trường càng được khẳng định bằng những con số thu thập từ người dùng thực tế được Passmark - trang benchmark CPU rất phổ biến công bố với 79,3% dùng vi xử lý Intel còn AMD là 20,6%. Mặc dù kết quả này chỉ giới hạn trong khuôn khổ những chiếc máy tính chạy Windows nhưng đây vẫn là bằng chứng thuyết phục về sức mạnh của Intel.
Lợi nhuận khổng lồ, thị phần áp đảo, không nhiều công ty có thể bước vào năm 2017 hiên ngang như Intel. Thế nhưng một ngày đẹp trời, AMD tái xuất.
Năm 2017 là năm mà cuộc chiến vi xử lý rất được quan tâm. Nhiều người cho rằng vị thế thống trị của Intel trên thị trường vi xử lý máy tính đã khiến công ty mất đi tham vọng và sáng tạo. AMD - đối thủ trực tiếp của Intel thì đang tuột lại xa phía sau về mặt thị phần và nhiều người lại cáo buộc Intel chỉ biết an tọa trên ngôi vương. Tại sao phải liều lĩnh trong khi bạn đang làm mọi thứ rất tốt?
Trong những năm gần đây, Intel vẫn đều đều ra mắt các thế hệ vi xử lý mới với các thế hệ sau cho hiệu năng cao hơn thế hệ trước nhưng không nhiều. Những cải tiến không quá rõ rệt và người dùng cảm thấy họ không có lý do để nâng cấp lên vi xử lý mới hơn.
Và rồi kịch bản hay nhất xảy ra khi hồi tháng 3, AMD ra mắt dòng vi xử lý Ryzen 7 và dòng vi xử lý này nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới mộ điệu khi đưa số lượng nhân xử lý lên gấp đôi (chẳng hạn như phiên bản Ryzen 7 1800X có 8 nhân 16 luồng với xung nhịp cơ bản 3,6 GHz, Boost lên 4 GHz hỗ trợ OC) nhưng mức giá bán rẻ hơn so với Intel.
Sự xuất hiện của Ryzen 7 và sau đó là một loạt các phiên bản Ryzen 5 và Ryzen 3 đã giúp AMD trở lại cuộc đua. Người dùng phản ứng tích cực với những gì AMD đem đến trong khi Intel với các vi xử lý phổ thông như giá cao của mình cũng chỉ có 4 nhân và bắt đầu trở nên lỗi thời.
AMD tiếp tục nhận được sự quan tâm của giới truyền thông cũng như đánh giá tích cực từ phía người dùng khi ra mắt dòng vi xử lý dành cho giới đam mê là Ryzen Threadripper với số lượng nhân tiếp tục tăng đến 16 nhân, từ đó tái định hình phân khúc máy tính HEDT.
Như vậy, AMD đã lôi Intel trở lại cuộc chiến vi xử lý và vị vua của chúng ta phản ứng như thế nào?
Áp lực buộc Intel phải hành động và ngay trong 5 năm tại triển lãm công nghệ Computex 2017, Intel đã công bố Intel Core X với một loạt vi xử lý cao cấp đa nhân với phiên bản xịn nhất là Core i9-7980XE 18 nhân 36 luồng. Phần còn lại của dòng Core X không hề yếu đuối với Core i9-7960X cạnh tranh trực tiếp với Threadripper khi có 16 nhân 32 luồng tương tự, ngoài ra còn có Core i9-7940X 14 nhân, Core i9-7920X 12 nhân và Core i9-7900X 10 nhân.
Thêm vào đó, Intel cũng lần đầu tiên nâng số nhân của dòng Core i7 lên trên 4 nhân với các phiên bản Core i7-7820X và Core i7-7800X lần lượt có 8 và 6 nhân. Các phiên bản 4 nhân thuộc dòng Core X chỉ còn Core i7-7740X và Core i5-7640X. Intel cũng nhấn mạnh rằng Core X là nền tảng vi xử lý desktop mạnh mẽ, có thể tăng tỉ lệ (scablable) và dễ tiếp cận nhất từ trước đến nay.
Dù ra mắt chậm hơn nhưng Core X rõ ràng chứng minh rằng Intel sẵn sàng đối đầu với AMD về số nhân. Thêm vào đó thế hệ vi xử lý này cũng được Intel cải tiến nhiều về tính năng và hiệu năng. Hiệu năng tổng thể của Core X nhanh hơn 30% so với thế hệ Broadwell-E với hiệu năng đa nhân nhanh hơn 10% và đơn nhân hơn 15%.
Intel không ngại khi đối đầu với AMD về khía cạnh đa nhân và hiệu năng xử lý nhưng so về giá thì Intel vẫn chưa phải là đối thủ của AMD với truyền thống kinh doanh vi xử lý giá rẻ.
Từ xưa đến nay giá CPU của Intel lúc nào cũng đắt hơn rất nhiều so với AMD và đến năm 2017, Intel vẫn không thay đổi truyền thống này mà ngược lại phát huy nó. Chẳng hạn như Core i9-7980XE cao cấp nhất có giá 1999 USD tại thời điểm ra mắt trong khi phiên bản 16 nhân Core i9-7960X cũng có giá gần 1700 USD.
Trong khi đó, AMD Ryzen Threadripper 1950X có giá chỉ 999 USD với hiệu năng ngang ngửa Core i9-7960X. Như vậy ở khía cạnh giá/hiệu năng thì thì AMD có ưu thế hơn so với Intel trong năm nay. Chưa hết, Ryzen 3, 5 và 7 cũng có giá bán rất cạnh tranh trong khi hiệu năng không hề thua kém các đối thủ Intel.
Vậy là áp lực ngày càng đè nặng lên Intel khiến hãng phải tung ra Coffee Lake:
Coffee Lake bao gồm các vi xử lý thế hệ 8 (Kaby Lake Refresh) cho laptop và Coffee Lake-S cho desktop. Các vi xử lý mới này đòi hỏi người dùng phải nâng cấp cả bo mạch chủ với chipset Z370, điều này gây phản ứng tiêu cực nhưng Intel hứa hẹn sẽ mang lại hiệu năng tăng thêm đến 45% so với thế hệ Kaby Lake.
Theo đánh giá của nhiều trang công nghệ, Intel Core i7-8700K xịn nhất với 6 nhân 12 luồng thuộc thế hệ Coffee Lake-S thực sự là một con quái vật OC và hiệu năng cao hơn nhiều so với các phiên bản Ryzen cùng phân khúc. Giá bán của nó là 359 USD, rất cạnh tranh với Ryzen 7 và cạnh tranh mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Đùng một cái danh tiếng của Intel tự dưng bị ảnh hưởng, tranh cãi nổ ra khi Intel tiết lộ rằng kể từ năm 2010 đã có hàng triệu vi xử lý Intel được bán ra với một lỗ hổng bảo mật trong công nghệ Intel Management Engine (ME). Lỗ hổng này cho phép tin tặc chiếm quyền điều khiển các tính năng thuộc bộ công cụ quản lý chủ động AMT và tiềm năng tạo ra cửa hậu (backdoor) gây nguy hiểm cho hàng triệu máy tính trên thế giới.
Sau khi lỗ hổng này được phát hiện bởi 2 chuyên gia bảo mật Mark Ermolov và Maxim Goryachy thuộc Positive Technologies Research, Nga, Intel đã thừa nhận còn có khoảng 10 lỗ hổng bảo mật khác trên Intel ME, Trusted Execution Engine và Server Platform Services.
Mối lo ngại càng tăng khi Intel ME được phát hiện chạy trên một phiên bản của Minix - một hệ điều hành mini nhân Unix do Andrew Tanenbaum phát triển dành cho mục đích giáo dục nhưng Intel sau này đã tiếp nhận và tích hợp trên các vi xử lý của mình. Tranh cãi nổ ra vì sự thật rằng người dùng không thể tiếp cận với Minix OS mà nó lại được phép truy xuất toàn bộ vào máy tính.
Năm 2017 chỉ vừa qua, tình trạng của Intel hiện tại ra sao? Intel vẫn dẫn đầu thị trường nhờ phát hành kịp thời những sản phẩm chất lượng và dòng Core X đã đưa vi xử lý dành cho người tiêu dùng lên một tầm cao mới.
Tuy nhiên, ngay cả khi Intel vẫn giữ thế thượng phong thì bối cảnh ngành công nghiệp vi xử lý đã thay đổi trong năm qua bởi AMD đã có thể tác động không nhỏ đến sự thống trị của Intel. Doanh số vi xử lý của AMD đã lần đầu tiên vượt mặt Intel tại thị trường Đức theo thống kê của nhà bán lẻ hàng đầu của Đức - Mindfactory.de trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2017.
Hồi tháng 3, doanh số CPU của AMD chỉ chiếm 27,6% trong tổng doanh số vi xử lý bán ra của hãng bán lẻ này trong khi Intel chiếm đến 72,4%. Thế nhưng đến tháng 4 sau khi tung Ryzen 7 và dòng tầm trung Ryzen 5, thị phần của AMD đã tăng thành 36,5% và Intel rớt xuống còn 63,5%.
Đáng lo ngại hơn cho Intel là vào tháng 8, AMD đã vượt mặt Intel, chiếm 56,1% doanh số CPU bán ra từ Mindfactory.de còn Intel là 43,9%. Mặc dù đây chỉ là doanh số của một nhà bán lẻ nhưng nhiều nhà bán lẻ khác cũng cho thấy bằng chứng thị phần của AMD đang tăng trở lại.
Trong năm 2017 còn chứng kiến một tay chơi mới khi Qualcomm - nhà sản xuất vi xử lý do động hàng đầu thế giới đã bước chân vào thị trường vi xử lý cho laptop. Intel chưa hết sốt với AMD giờ đây còn phải chuẩn bị đối phó với Qualcomm.
Tại Computex 2017, Qualcomm và Microsoft đã công bố một loạt laptop mới đến từ ASUS, HP và Lenovo chạy Windows 10 trên nền tảng Snapdragon 835 và đây cũng là loạt máy tính đầu tiên được gắn mác 'always connected' (luôn kết nối) khi cung cấp thời lượng pin đến 20 tiếng.
Với sự hợp tác giữa Qualcomm và Microsoft và sự trỗi dậy của AMD, Intel nhận ra rằng mặc dù hãng đã có một năm thành công nhưng 2017 có thể là năm cuối cùng Intel giữ cương vị thống trị thị trường CPU.
Hôm nay là những ngày đầu tiên của năm 2018, chúng ta kỳ vọng gì ở Intel? Sau 1 năm thành công nhưng cũng đầy sóng gió, Intel có thể sẽ không nhàm chán nữa trong năm nay. Đã có nhiều tin đồn xoay quanh lộ trình ra mắt sản phẩm mới của Intel, theo đó:
Dòng Cascade Lake-X được cho là sẽ xuất hiện vào quý 4 năm 2018 thay thế cho Skylake-X (Core X) hiện tại. Dòng vi xử lý này sẽ được sản xuất trên tiến trình 14 nm++ với hiệu năng cao hơn và tiêu thụ ít điện năng hơn.
Intel lùi kiến trúc 10 nm và sẽ dùng trên Cannon Lake. Dòng vi xử lý này được kỳ vọng sẽ tăng thêm 25% hiệu năng và giảm điện năng tiêu thụ 45% nhờ thu nhỏ kích thước bán dẫn từ 14 nm xuống còn 10 nm. Ngoài ra dòng CPU tiết kiệm điện của Intel là Atom cũng được nâng cấp với thế hệ Gemini Lake thay thế cho Apollo Lake. Đó là còn chưa kể một loạt những thông tin như sẽ có Core i9 cho laptop hay các phiên bản CPU tích hợp nhân đồ họa Radeon Vega.
Anh em kỳ vọng gì ở Intel, anh đang dùng CPU nào? Comment bên dưới và nhớ tham gia bình chọn Tinh Tế 2017 (TTBC 2017) hạng mục CPU nhé.
Theo: TechRadar