Trong các công cụ Digital Marketing, SEO có lẽ là chính cái mang nhiều bí ẩn cũng như gây nhiều khó khăn nhất cho các bạn nhập môn. Không ít những Marketer đã có kinh nghiệm cũng không tránh khỏi có những hiểu lầm về SEO.
Và trong SEO, link building chính là khái niệm quan trọng nhất nhì và ngày càng trở nên không thể thiếu trong mọi kế hoạch digital Marketing tổng thể. Vì vậy, để hiểu hơn về SEO, mời bạn hãy cùng TCN đi vào tìm hiểu về Link Building.
Link Building là gì?
Link building, nói đơn giản nhất, là làm cách nào đó khiến các website khác dẫn đường link trỏ trực tiếp về website của bạn. Ví dụ như tôi có một website mang địa chỉ www.marketingai.admicro.vn, mục tiêu của tôi khi link building là phải khiến thật nhiều website khác đăng tải đường link đó lên trang của họ.
Một lợi ích của quá trình này mà chắc Marketer nào cũng có thể thấy là nó tạo thêm nguồn traffic khi user click vào đường link. Tuy nhiên đó chỉ là phụ, còn lý do chính của link building là để phục vụ SEO. SEO, theo định nghĩa trên Wikipedia, là: “các phương pháp nhằm nâng cao thứ hạng của một website trong các trang kết quả của các công cụ tìm kiếm (phổ biến nhất là Google)”.
Và một trong các tiêu chuẩn quan trọng mà Google sử dụng để quyết định thứ hạng của một website chính là số đường link trỏ về địa chỉ đó từ các website khác. Như vậy, càng có nhiều link trỏ về website của bạn, thì website của bạn sẽ càng có thứ hạng cao trên Google. Và càng có thứ hạng cao thì sẽ càng dễ được user tìm thấy và website của bạn sẽ có nhiều visit hơn. Đó chính là mục đích cuối cùng của link building.
Không phải link nào cũng như nhau
Số lượng link trỏ về website là một yếu tố lớn để tăng thứ hạng, nhưng bên cạnh đó, chất lượng của các đường link này cũng quan trọng không kém.
Follow vs No-follow:
Các đường link đăng tải trên website đôi khi có thể được gài thêm thuộc tính “no-follow” như sau:
Example
Đối với user thì sẽ không có gì khác biệt, họ vẫn có thể click vào đường link đó và vào website một cách bình thường. Tuy nhiên, đối với người làm SEO thì đây lại là một vấn đề lớn.
Lý do là vì một khi đã bị đánh thuộc tính no-follow, các đường link này sẽ không được quét bởi Google, đồng nghĩa là nó sẽ không giúp ích gì trong việc tặng hạng cho website. Vì vậy khi đi link building, các marketer cần chú ý xem website mình đăng link lên có đánh dấu link là no-follow hay không.
No-follow thường được sử dụng như một biện pháp chống spam cho các website mà user có quyền đăng bài tự do như: mạng xã hội, phần comment trên các web tin tức, wikipedias, forums, v.v…
Domain Authority:
Từ lâu, giới digital marketing đã kiểm nghiệm và rút ra được một kết luận là không phải mọi đường link đều có giá trị như nhau về mặt SEO. Ví dụ: Google sẽ luôn đánh giá cao những đường link dẫn từ các website uy tín và có đông lượt truy cập hơn là những đường link từ các website mới mở, website không có content chất lượng hoặc website thường xuyên bị spam, v.v…
Để cụ thể hóa sự khác biệt này, Moz, một công ty rất có uy tín trong giới SEO, đã cho ra đời một chỉ số mang tên Domain Authority (DA) để đo mức độ chất lượng của các website. Bạn có thể xem được chỉ số này bằng cách truy cập vào Moz Link Explorer và gõ vào địa chỉ website mình cần kiểm tra.
Như bạn có thể thấy, trang www.dantri.com.vn có DA = 76 / 100. Đây là mức cao nên nếu bạn lấy được một đường link dẫn từ www.dantri.com.vn đến website của mình thì sẽ rất tốt cho việc thăng hạng website.
Nói như vậy không có nghĩa là những web có DA thấp là vô dụng. Tuy nhiên, bằng cách theo dõi chỉ số DA, bạn sẽ so sánh được các website để để tập trung lấy link chất lượng, tránh tốn quá nhiều công sức mà lợi ích nhận lại không bao nhiêu. Hơn nữa, đây cũng là một cách để bạn kiểm tra được thứ hạng cho chính trang web của mình.
Anchor text:
Trong đa số các trường hợp, khi dẫn link, các website thường sẽ ẩn nó sau một đoạn text, gọi là anchor text, ví dụ:
Và nội dung của đoạn anchor text này cũng sẽ là một yếu tố Google sẽ xét tới. Chẳng hạn nếu như website của bạn là shop bán đồ điện tử thì khi dẫn link về đó, anchor text của bạn cũng nên là những đoạn text về các mặt hàng đồ điện tử hoặc có liên quan đến brand của bạn, nếu không đường link đó sẽ có nguy cơ không được Google đánh giá cao.
Linking Root Domain:
Nói nôm na thì linking root domain là các domain (tên miền) có dẫn đường link tới website của bạn. Tức dù cho một trang web có dẫn nhiều link từ nhiều trang con khác nhau đến website của bạn đi chăng nữa thì nó cũng chỉ được tính là 1 linking root domain.
Và số lượng linking root domain càng nhiều thì website của bạn sẽ càng được Google đánh giá cao. Điều này có nghĩa là trong quá trình link building, bạn không chỉ cần chú ý tới chất lượng và số lượng link mà còn phải đảm bảo độ đa dạng bằng việc tìm cách để trỏ link về từ càng nhiều domain khác nhau càng tốt.
Ngoài những điều trên, người làm SEO cũng cần biết một số yếu tố khác có ảnh hưởng nhưng ít quan trọng hơn như: website đặt link và website mục tiêu nên có nội dung tương đối liên quan với nhau; link nên được đặt ở ngay trong bài viết, tránh đặt ở các phần toolbar hay footer trang web, v.v…
Như vậy là bạn đã nắm được những định nghĩa cơ bản nhất của link building. Trong phần tiếp theo của loạt bài, chúng ta sẽ đi vào việc lên kế hoạch cho một chiến dịch link building hoàn chỉnh.
Theo iPrice Group
Nguồn : https://marketingai.admicro.vn/bi-kip-nhap-mon-link-building-bai-1-dinh-nghia/