Cùng đối chiếu thông số kỹ thuật giữa Nikon Z7 và Canon EOS R để tìm ra 12 điểm khác nhau chính cần lưu ý nhất trên hai chiếc máy ảnh đang đối đầu trực diện này.
Nikon và Canon vẫn luôn là các hãng máy ảnh dè chừng phân khúc máy ảnh không gương lật full frame nhất, nhất là khi dòng EOS M và 1 chưa bao giờ làm các hãng này “nở mày nở mặt” được như sản phẩm của các hãng đối thủ.
Tuy vậy, sang năm nay mọi sự đã khác. Cả Nikon và Canon lần lượt tấn công vào phân khúc máy ảnh mirrorless full frame cao cấp một cách mạnh mẽ với những sản phẩm có thể xem là thế thân hoàn hảo của DSLR. Nikon khởi động dòng Z với Z6 và Z7; Canon ra mắt EOS R. Trong khi chiếc Z7 của Nikon sẽ chính thức có mặt trên thị trường vào cuối tháng 9, thì EOS R của Canon sẽ mở pre-order từ ngày 12 tới đây.
1. Độ phân giải
Cảm biến 31.7MP trong Canon EOS R cho ảnh có độ phân giải thực tế 30.3MP chắc chắn là một yếu tố vừa đủ đối với nhu cầu của những người dùng máy ảnh, tuy nhiên để so với thông số trên giấy tờ của Nikon Z7 là 45MP thì EOS R vẫn có phần kém cạnh hơn. Dù vậy, số điểm ảnh của EOS R lại cao hơn 24.5MP của Nikon Z6.
Một điểm khác nữa là Canon đã cố gắng đặt vừa cảm biến trong EOS R cùng với bộ lọc low-pass quang học, trong khi Nikon loại bỏ bộ lọc này khỏi Z7. Thiết kế của Z7 đã trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây, giúp tăng độ sinh động cho ảnh, do đó bên cạnh độ phân giải cảm biến cao hơn, đặc điểm thiết kế này cũng giúp Z7 có vẻ hấp dẫn hơn.
2. Độ sâu của vành và ngàm ống kính
Nikon có vẻ rất nhiệt tình khi quảng bá cho đường kính 55mm của ngàm ống kính mới, cụ thể hơn là về khả năng của một ngàm lớn như vậy đối với bất kỳ thiết kế ống kính khẩu rộng nào cũng như chất lượng hình ảnh. Canon cũng không chịu kém cạnh khi gần như đạt được điều tương tự với ngàm RF 54mm.
Khác biệt đáng chú ý hơn cả là độ sâu của vành ngàm RF là 20mm, trong khi của Z7 chỉ là 16mm. Đặc điểm này cho phép thân máy nhỏ gọn hơn thêm chút nữa, đồng thời giúp Nikon dẫn trước đối thủ một bước.
3. Ổn định hình ảnh
Một trong những ưu điểm chính của Nikon Z7 so với EOS R là sự xuất hiện của ổn định hình ảnh dựa trên cảm biến, cho phép người dùng tận dụng công nghệ ổn định ngay cả với các ống kính đời cũ. Tính năng này hứa hẹn mức ổn định lên đến 5 stop và ổn định 5 trục khi dùng với ống kính ngàm F qua ngàm chuyển FTZ (cùng với ổn định 3 trục với các ống không có tính năng VR).
Về phía Canon, ổn định hình ảnh được thiết kế tích hợp vào 2 trong số 4 ống kính được ra mắt cùng lúc với máy ảnh EOS R, gồm các ống Canon RF 35mm f/1.8 IS STM Macro và Canon RF 24-105mm f/4L IS USM. Tuy nhiên rõ ràng là việc có ổn định sẵn trong thân máy vẫn tiện lợi hơn nhiều, cho nên là, Nikon lại dẫn trước một điểm nữa vậy.
4. Lấy nét tự động
Không phải là thông số vượt trội hàng đầu nhưng 493 điểm lấy nét tự động nhận diện pha trên cảm biến của Z7 chắc chắn vẫn đủ gây ấn tượng mạnh khi máy vừa ra mắt. Trái lại, EOS R lại đánh một cú quyết định khi thông số trên giấy lên đến 5655 điểm, tối đa.
Không chỉ thế, phạm vi làm việc thấp hơn của EOS R với mức -6EV thấp hơn thấy rõ so với -3EV của Z7, và về lý thuyết thì điều này cũng cho phép EOS R nhận diện chủ thể tốt hơn trong điều kiện thiếu sáng.
5. Dải ISO
Dải ISO tiêu chuẩn của Z7 đi từ ISO64 đến 25,600, trong khi của Canon bắt đầu từ ISO100 cao hơn một chút và dừng lại ở mức ISO40,000. Thiết lập mở rộng ở cả hai đầu trên Z7 lại bắt đầu từ tầm ISO32 đến ISO102,400, trong khi EOS R đi từ ISO50 đến 102,400 tối đa. Các thông số trông khác nhau nhưng trên thực tế chúng có vẻ không tạo ra ảnh hưởng khác biệt nào quá đáng chú ý.
6. Màn hình LCD
Cả hai máy ảnh đều sở hữu màn hình LCD 2.1 triệu điểm ảnh ở mặt sau, tuy là màn hình của Z7 lớn hơn một chút với kích thước 3.2 inch, còn của EOS R là 3.15 inch. Nikon thiết kế màn hình lật lên và xuống, trong khi Canon tiếp tục áp dụng thiết kế đa góc như trên EOS 6D Mark II. Thiết kế này cho phép màn hình xoay ra đối diện hữu ích cho khả năng selfie và làm vlog, tiện lợi hơn màn hình của Z7.
7. Kính ngắm điện tử
Cả hai máy đều được trang bị kính ngắm điện tử OLED 3.69 triệu điểm ảnh. Kính ngắm của Z7 có độ phóng đại 0.80x cao hơn một chút so với 0.76x của EOS R.
8. Tốc độ chụp liên tiếp
Nikon Z7 có tốc độ chụp liên tiếp 9fps, nhanh hơn 8fps Canon EOS R 1fps (với chế độ khóa phơi sáng ở ảnh đầu tiên).
Chuyển sang lấy nét liên tục thì Z7 có thể duy trì tốc độ liên tiếp 9fps, nhưng EOS R lại giảm xuống còn 5fps. Nếu người dùng muốn dùng cả lấy nét tự động và phơi sáng tự động thì Z7 vẫn có thể đáp ứng với tốc độ 5.5fps.
9. Thẻ nhớ
Việt Nikon quyết định trang bị cho Z7 một khe cắm thẻ nhớ XQD duy nhất đã làm dấy lên nhiều tranh cãi, trong khi với Canon thì là với thẻ SDHC/SDXC.
Trong trường hợp nhiều người dùng Canon hiện tại sở hữu một lượng lớn thẻ nhớ SD, thì quyết định của Nikon với thẻ XQD có vẻ vẫn đỡ hơn phần nào nếu xét về lâu dài, nhất là khi Nikon đã hứa hẹn là sẽ hỗ trợ định dạng CFexpress đáp ứng được với XQD.
10. Ống kính
Nikon chính thức công bố 3 ống kính mới cùng lúc với chiếc Z7 là NIKKOR Z 24-70mm f/4 S, NIKKOR Z 35mm f/1.8 S và NIKKOR Z 50mm f/1.8 S, và dĩ nhiên là với nhiều ống kính khác nữa vẫn đang ấp ủ chờ thời.
Canon thì sải bước rộng hơn một chút khi không chỉ ra mắt 4 ống kính mà trong số đó còn có ống khẩu rộng. Các ống kính Canon gồm RF 28-70mm f/2L USM, RF 50mm f/1.2L USM, RF 35mm f/1.8 IS STM Macro và RF 24-105mm f/4L IS USM.
Cả hai dòng ngàm mới đều sử dụng được các ống kính có sẵn được thiết kế cho DSLR Nikon và Canon thông qua ngàm chuyển.
11. Thời lượng pin
Về khoản này EOS R có vẻ nhỉnh hơn một chút, xét theo tiêu chuẩn CIPA.
Trong khi Z7 chụp được 330 ảnh trong một lần sạc, thì EOS R có thể đạt được 350 ảnh khi dùng kính ngắm điện tử và 370 ảnh khi dùng màn hình LCD. Tuy nhiên nếu người dùng sử dụng chế độ Power Saving, thông số này có thể tăng lần lượt đến 430 và 450 ảnh, và với chế độ Eco thậm chí có thể đạt tối đa 560 ảnh.
12. Kích thước và trọng lượng
EOS R nặng 660g tính cả pin và thẻ nhớ, trong khi Z7 nặng 675g điều kiện tương tự.
Kích thước 135mm rộng x 98.3mm cao của Canon EOS R cũng gần như không khác mấy với 134mm x 100.5mm của Nikon Z7. Tuy nhiên EOS R có tổng thể lớn hơn bởi độ dày 84.4mm so với 67.5mm của Z7.
Với cảm biến phân giải cao hơn, thân máy nhỏ hơn và ưu điểm ổn định hình ảnh trên cảm biến, Nikon Z7 có vẻ như đang sở hữu hạt nhân ổn định và mạnh mẽ hơn Canon EOS R. Dẫu vậy với các thông số của EOS R gồm lấy nét tự động và kết hợp với các ống kính mới ra mắt, thì như vậy vẫn chưa đủ sức quyết định được ai là kẻ trên cơ để thuyết phục người dùng của bên này bỏ máy nhảy theo bên kia.
Theo Techradar